Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) là các khoản vốn huy động từ nước ngoài được thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian như quỹ đầu tư tham gia đầu tư vào các công ty cổ phần đã hoặc chưa niêm yết hoặc các doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa.
- Lợi ích của việc thu hút nguồn vốn FII
Khác với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những nhà đầu tư gián tiếp chỉ đóng góp vốn vào các công ty cổ phần thông qua thị trường chứng khoán, mà không trực tiếp tham gia quản lý điều hành các công ty đó. Các công ty được thuê để quản lý những quỹ đầu tư có thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các công ty được đầu tư này về mặt quản trị doanh nghiệp và tái cấu trúc công ty nói chung.
Việc thu hút nguồn vốn FII mang lại những lợi ích có thể kể đến như: 1- Các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận với nguồn tiết kiệm nước ngoài, tận dụng nguồn vốn này để đầu tư, giảm bớt áp lực vốn trong quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh. 2- Giảm chi phí vay vốn và kết quả là đầu tư sẽ tiếp tục tăng, doanh nghiệp ngày càng phát triển. 3- Sự hỗ trợ tư vấn của các công ty quản lý quỹ trong việc điều hành doanh nghiệp, giúp công ty củng cố mặt quản trị doanh nghiệp vốn vẫn còn rất non yếu ở Việt Nam. 4- Khi một quốc gia mở cửa đối với nguồn vốn đầu tư gián tiếp này, thì đầu tư trong nước không cần phải dựa hoàn toàn vào nguồn tiết kiệm trong nước. Thay vào đó, có thể tăng thu nhập và tiêu dùng trong nước.
Một đặc điểm nổi bật của nguồn vốn này là thường chảy vào rất nhanh và cũng tháo chạy rất nhanh, nên cũng có thể gây tổn thất nặng nề đối với kinh tế các nước sở tại. Sự tháo chạy nhanh chóng của các dòng vốn FII ra khỏi các nước châu Á vào năm khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á - Thái Bình Dương 1997 đã để lại ấn tượng không tốt đến các nước sở tại, trong đó có Việt Nam.
Một số quốc gia đã rất cảnh giác, dè dặt đến mức đóng cửa với nguồn vốn này. Thực ra, sự vận động của các dòng vốn gián tiếp từ quốc gia này sang quốc gia khác là một sự vận động bình thường. Ở đâu có mức sinh lợi lớn hơn, thì nguồn vốn này đổ đến và ngược lại. Do vậy sự vận động của các dòng vốn này trở thành một tín hiệu nhanh nhạy cho giới đầu tư và kinh doanh nhận biết được đâu là nơi đầu tư có lợi cần đến, đâu là nơi bất lợi phải tránh.
- Mở hay đóng cửa dòng vốn FII
Nếu một quốc gia đóng cửa đối với những dòng vốn này, có nghĩa là cắt bỏ tín hiệu phản ánh tình hình biến động của môi trường đầu tư, làm cho các nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài mất phương hướng. Đây là một lý do rất quan trọng làm cho những nước đóng cửa đối với dòng vốn gián tiếp sẽ kém hấp dẫn đầu tư hơn các quốc gia mở cửa rộng rãi cho các dòng vốn này.
Hiện tại có hai loại vốn FII. Một là đầu tư trực tiếp, do các nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thành lập quỹ đầu tư ở nước ngoài và dành một phần để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Họ là những nhà đầu tư và là những người quản lý quỹ đầu tư đó, ví dụ như đầu tư của Công ty Temasek.
Hiện nay loại này chỉ chiếm khoảng trên 1% trong tổng lượng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Hai là đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đang hoạt động tại Việt Nam, chẳng hạn các quỹ Vietnam Enterprise Investment Fund (VEIL), Vietnam Growth Fund (VGF), Vietnam Dragon Fund (VDF), Vietnam Opportunities Fund (VOF)… Những nhà quản lý quỹ thường giới thiệu, tiếp thị Việt Nam với các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài để thu hút đầu tư.
Những vốn đầu tư thông qua các tổ chức sau đây có thể được xem là vốn FII: các quỹ đầu tư đại chúng (Mutual Funds), quỹ hưu trí (Pension Funds), quỹ đầu tư ủy thác (Investment Trusts), công ty quản lý tài sản (Asset management company), quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Fund hoặc Hedge Fund), các quỹ từ thiện, các quỹ tài trợ ở trường đại học… Tại Việt Nam hiện nay mới có sự xuất hiện của các quỹ đầu tư đại chúng, quỹ đầu tư mạo hiểm Venture Fund và quỹ từ thiện.
ANH KHUÊ