Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sáng nay 10-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TPHCM.
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại nghị trường đều nhất trí với sự cần thiết đầu tư hai dự án quan trọng này và nêu nhiều kiến nghị từ các góc độ khác nhau để việc thực hiện dự án được hiệu quả, thông suốt.
Nhận định rằng đường Vành đai 3 TPHCM một khi được xây dựng sẽ tạo ra hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam bộ, trong đó có TPHCM, song ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lưu ý, thời gian còn lại (đến hết năm 2023) là quá gấp gáp.
ĐB đề xuất chỉnh lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế trong 3 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết.
Đồng thời, để hoàn thành kịp tiến độ, ĐB đề nghị Quốc hội ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa trong cơ chế chỉ định thầu (áp dụng đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư).
“Dự thảo đã quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Với “chốt” đó, chúng ta có thể yên tâm thực hiện ủy quyền”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.
Cùng quan điểm, ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhận định, đầu tư 2 dự án đường vành đai vào thời điểm này là “chín muồi”, tranh thủ được thời cơ, thế và lực của đất nước, giảm chi phí, cơ hội và tạo sự bứt phá, sức lan tỏa của đầu tàu kinh tế và trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch, ĐB Tạ Đình Thi lưu ý, bên cạnh việc quy hoạch, hướng tuyến hành lang công trình thì cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), việc cả hai dự án nêu trên đều tách riêng dự án xây dựng công trình và dự án GPMB, phân chia thành các dự án thành phần, giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí.
“Việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì, giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương”, ĐB Tạ Đình Thi băn khoăn.
Đồng tình với sự cần thiết phải đầu tư đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TPHCM, và cơ bản đồng tình với việc phân kỳ đầu tư giai đoạn một của cả hai dự án, song ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị cân nhắc thêm, đối với những đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực có lưu lượng giao thông lớn nên đầu tư giai đoạn một với quy mô 4 làn xe có B=24,75m nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
“Việc GPMB một lần đã bao gồm cả phần đường song hành 2 bên chưa? Đề nghị cần nghiên cứu cơ chế phối hợp trong quá trình xây lắp, nghiệm thu, bàn giao để tránh những ý kiến, kiến nghị phát sinh sau này”, ĐB Trần Văn Tiến góp ý.
Đảm bảo được bố trí đủ vốn và triển khai kịp thời, quyết liệt trong công tác bồi thường, GPMB là kiến nghị từ ĐB Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Long An).
ĐB nhận định, việc đầu tư đường Vành đai 3 TPHCM không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TPHCM, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.
Dự án sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành trong vùng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, góp phần giảm thiểu quá tải hạ tầng giao thông các khu vực cửa ngõ và nội đô TPHCM, tăng cường kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế của các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cho biết ông nhất trí cao với việc phân chia các dự án thành phần để triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ĐB Nguyễn Thanh Hải đề nghị quan tâm bố trí đủ nguồn vốn triển khai thực hiện cho các địa phương không phát hành trái phiếu để đảm bảo được bố trí đủ vốn và kịp thời.
Ông cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác bồi thường, GPMB, đảm bảo đúng theo tiến độ.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc theo tuyến đường đi qua (sẽ trở thành quỹ đất hết sức có giá trị sau khi dự án hoàn thành, đi vào sử dụng) để giúp cho các địa phương chủ động trong việc triển khai dự án và thu hút đầu tư.
Vui lòng người đến, hài lòng người đi |