Theo Bộ Tài chính Đức, việc phát hành trái phiếu xanh có thời hạn 10 năm sẽ diễn ra vào tháng 9 với số lượng trị giá tối thiểu 4 tỷ EUR (4,7 tỷ USD). Trái phiếu xanh sẽ là “trái phiếu kép” vì được phát hành cùng trái phiếu liên bang thông thường với cùng thời hạn và lãi suất. Theo Quốc vụ khanh về tài chính của Quốc hội Đức Joerg Kukies, mục đích của “trái phiếu kép” này nhằm thu hút các nhà đầu tư, giúp Đức có thể tăng nguồn hỗ trợ cho các dự án môi trường lên 11 tỷ EUR (12,9 tỷ USD) trong năm nay.
Từ cuối năm ngoái, Chính phủ Đức thông báo sẽ phát hành trái phiếu xanh vào nửa cuối năm 2020 để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Việc công bố thời điểm phát hành trái phiếu xanh được thực hiện đúng như lộ trình đề ra. Là quốc gia có mức phát thải cao nhất châu Âu, trong thời gian gần đây, Đức tăng tốc thực hiện nhiều dự án bảo vệ môi trường. Nước này đã dành 54 tỷ EUR (63,8 tỷ USD) trong khoản chi tiêu đến năm 2023 cho gói ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc đánh thuế carbon nhằm giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo quy định, số tiền thu được từ phát hành trái phiếu của Chính phủ Đức sẽ hoàn toàn được phân bổ cho các khoản chi tiêu mang lại hiệu quả sinh thái bền vững. Động thái này tuân theo thỏa thuận mà các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt được hồi tháng 11-2019 về một bộ quy tắc mới điều chỉnh những sản phẩm tài chính nào có thể được gọi là “xanh”. Theo thỏa thuận, tất cả các sản phẩm tài chính được coi là xanh hoặc bền vững sẽ phải công bố chính xác tỷ lệ đầu tư thân thiện với môi trường.
Tháng 6 vừa qua, Đức cũng đã thông qua mục tiêu quốc gia là cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu này như đưa ra giá carbon cho giao thông và các tòa nhà vào năm tới. Theo Quốc vụ khanh về môi trường của Quốc hội Đức Rita Schwarzeluehr-Sutter, trái phiếu xanh sẽ góp phần vào nỗ lực của chính phủ trong ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Ba Lan là nước phát hành trái phiếu xanh đầu tiên trên thế giới vào năm 2016. Tiếp đó, Pháp phát hành vào năm 2017 và hiện là nước đứng đầu thế giới về phát hành trái phiếu xanh.
Phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... và được xem là kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững. EU là khu vực phát hành trái phiếu xanh nhiều nhất.
Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trái phiếu xanh chiếm 2,85% trong tổng số trái phiếu phát hành trên toàn cầu trong năm 2019, trị giá khoảng 205 tỷ USD. Gần một nửa trái phiếu xanh được phát hành trên thế giới năm 2019 là bằng đồng EUR. Tuy nhiên, do chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong lượng phát hành trái phiếu toàn cầu nên các ngân hàng trung ương hoặc cơ quan quản lý chưa thể yêu cầu những người tham gia thị trường xây dựng danh mục đầu tư trái phiếu xanh.