NSƯT Trần Lực: Tạo dựng lại thói quen xem kịch
LucTeam là đoàn kịch xã hội hóa mới ra đời được gần 3 tháng. Kỳ vọng lớn nhất của thầy trò chúng tôi là tạo ra thói quen (vốn có của khán giả) đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật sân khấu.
“Trong thời kỳ các nhà hát và sân khấu xã hội hóa trong Nam lẫn ngoài Bắc vật lộn tìm khán giả, Trần Lực lại xông xáo mở sân khấu tư nhân khác nào đi ngược dòng?”, nhiều người hỏi tôi như thế, nhưng tôi nghĩ đơn giản sân khấu cũng như các loại hình khác đều có giá trị của nó.
NSƯT Trần Lực
Những năm 70, 80 thế kỷ trước, sân khấu chiếm lĩnh thị trường. Hiện nay, mọi người cho rằng, truyền hình, gameshow cướp mất khách của sân khấu, nhưng tôi thì thấy sân khấu vẫn giữ nguyên giá trị. Tuy nhiên sân khấu giống nhau quá, bao nhiêu năm nay vẫn đi theo hiện thực tâm lý. Hỏi phương pháp này hay không - rất hay - nhưng chúng ta làm chưa tới và khán giả “ăn” nhiều quá, đâm nhàm.
Chúng tôi có phong cách riêng, khác biệt, đó là sân khấu ước lệ - biểu hiện. Năm 2018, đoàn kịch LucTeam tiếp tục dựng tiết mục mới theo phong cách này. Sau tết, chúng tôi bắt tay vào thực hiện vở mới, trong thời gian này các diễn viên phải hoàn thành các khóa đào tạo như múa truyền thống đương đại, thanh nhạc... để tiếp tục dàn dựng vở kịch lịch sử về bà Triệu Thị Trinh. Sau thành công bước đầu được khán giả đón nhận, năm 2018, với những dự án mới, những vở diễn mới hấp dẫn, hài hước và đậm chất nhân văn, thầy trò chúng tôi kỳ vọng sẽ lôi cuốn khán giả đến với sân khấu nói chung và sân khấu LucTeam nói riêng.
Đạo diễn Ngọc Hùng (sân khấu kịch Thế Giới Trẻ): đầu tư mới hút được khán giả
Mỗi khi xuân về, tết đến, tôi lại ấp ủ và đặt nhiều kỳ vọng dành cho nghề, cho sàn diễn. Năm nay, kỳ vọng đầu tiên dành cho sân khấu Thế Giới Trẻ vẫn là tiếp tục giới thiệu được những gương mặt diễn viên mới có khả năng thu hút khán giả, để bổ sung cho lực lượng diễn viên của sân khấu chúng tôi nói riêng và sân khấu thành phố nói chung. Mong mỏi hơn nữa là sân khấu làm được những vở diễn nghiêm túc, hấp dẫn khán giả.
Đạo diễn Ngọc Hùng
Tôi muốn tiếp nhận các diễn viên, đạo diễn trẻ để tạo cho các bạn những cơ hội, giúp các bạn phát triển. Ngoài ra, theo tôi, sân khấu muốn phát triển tốt phải có sự đầu tư nghiêm túc, để khi khán giả bỏ tiền ra mua vé đến với sân khấu thì phải được thỏa mãn nhu cầu giải trí. Là người làm nghề mình phải cố gắng đáp ứng tốt nhu cầu đó của khán giả.
Tôi cũng rất vui mừng vì trong năm 2017, sân khấu kịch Thế Giới Trẻ đã đầu tư nâng cấp và có được sân khấu khang trang, khán phòng sang trọng, dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại. Trong năm 2018, tôi lại hy vọng có thêm những khoản đầu tư mới, chủ yếu là về kỹ thuật, nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu tổ chức biểu diễn, công việc sáng tạo của đội ngũ làm nghệ thuật, phục vụ khán giả.
Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Soi cuộc sống qua lăng kính hiển vi
Tôi có một năm bận rộn với công việc truyền thông sách tại NXB Kim Đồng cùng những dự án riêng của cá nhân. Tôi may mắn được làm việc, tương tác trực tiếp với các em ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, THCS và tôi nhận thấy nhu cầu đến với sách của các em vẫn cao. Các em không thờ ơ với sách như cách mà truyền thông “hoảng hốt la làng” bấy lâu nay. Quan trọng là cách chúng ta đánh thức sự ham muốn và hướng dẫn kỹ năng, thói quen đến với sách cho các em.
Nhà văn trẻ Văn Thành Lê
Thêm thực tế nữa, hiện nay sách dành cho các em vô cùng phong phú, đa dạng về đề tài, thể loại, đồng thời được đầu tư nhiều về mỹ thuật, công nghệ in ấn nên cả thế giới sách đã mở ra để chào đón các em bước vào.
Có ý kiến cho rằng, người viết trẻ hiện hay ngả theo xu hướng lãng mạn hóa mà rời xa hiện thực cuộc sống. Tôi nghĩ, văn chương xét đến cùng là để chạm đến, nâng niu, xoa dịu những phận người. Mà phận người thì không thể thoát ly khỏi hiện thực cuộc sống, trừ khi là người… ngoài hành tinh. Các trang văn của người viết trẻ cũng không nằm ngoài những điều này.
Vấn đề là người trẻ giờ nhìn hiện thực cuộc sống chắc chắn khác với cha anh mình trước đây. Năm qua và trong năm 2018, những tiếng nói trực diện có tính luận đề “đao to búa lớn” chắc chắn dần ít đi, người trẻ lách vào những mảnh ghép, những điều bé nhỏ, gần xúc cảm của mỗi cá nhân hơn. Đấy vẫn là hiện thực cuộc sống, nhưng soi bằng ngòi bút kính hiển vi, chứ không phải cách chụp toàn cảnh. Người đọc giờ đủ thông minh để nhận ra, tất cả ngổn ngang hiện thực, hiện thực đến mức… huyền ảo so với trí tưởng của mình từ các trang văn thật sự của người trẻ.