Đầu tư bất động sản công nghiệp tại TPHCM: Điểm nghẽn trầm trọng nhất là thiếu quỹ đất lớn

“TPHCM không phải là không có đất, nhưng để có quỹ đất lớn thì lại rất khó khăn. Một số nhà đầu tư vì thế đã dịch chuyển qua Đồng Nai, Bình Dương”, doanh nhân Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TPHCM (HBA) phản ánh.
Doanh nhân Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TPHCM
Doanh nhân Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TPHCM

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 do báo Đầu tư tổ chức ngày 24-8, những khó khăn trong tiếp cận quỹ đất lớn tại TPHCM được ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp (KCN) TPHCM (HBA) phản ánh.

Theo doanh nhân này, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay để thu hút đầu tư và đón đầu dịch chuyển vốn đầu tư mới vào các KCN) tại TPHCM là quỹ đất. “TPHCM không phải là không có đất, nhưng để có quỹ đất lớn thì lại rất khó khăn. Một số nhà đầu tư vì thế đã dịch chuyển qua Đồng Nai, Bình Dương”, ông Đức cho biết.

Cũng theo ông Đức, hiện khu chế xuất (KCX) Tân Thuận đã trải qua thời gian hoạt động là 32 năm, đến năm 2041, KCX này sẽ hết thời gian thuê đất. Theo sau đó là một số KCN khác cũng hết thời hạn thuê đất. Tuy nhiên, nếu TPHCM đợi đến thời điểm đó mới xem xét các KCN, KCX sẽ phát triển như thế nào trong giai đoạn 20-30 năm tới thì sẽ không kịp.

Đại biểu dự diễn đàn

Đại biểu dự diễn đàn

Thời gian qua, TPHCM đã triển khai đề án Định hướng phát triển các KCN, KCX trên địa bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có 5 KCN, KCX được lựa chọn làm thí điểm và đến giữa năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai ở nhiều khu vực khác.

Bên cạnh đó, TPHCM đang dự thảo một số tiêu chí về sức đầu tư ở một số ngành nghề. Trong đó, trung bình sức đầu tư ở một số KCN, KCX của TPHCM là 5 triệu USD/ha, với hướng xây dựng sắp tới, TPHCM sẽ nâng lên từ 12-15 triệu USD/ha, tùy ngành nghề để thu hút các dự án mới.

Đáng lưu ý, nỗ lực tìm lời giải cho bài toán quỹ đất hạn chế, TPHCM đã phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng tại một số đơn vị ở KCX Tân Thuận và Linh Trung với nhà xưởng 9-10 tầng để phục vụ cho những dự án phù hợp như: công nghệ thông tin, công nghệ cao… nhằm giải quyết một phần khó khăn.

TPHCM cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm quy hoạch đất cho KCN Phạm Văn Hai 1 và Phạm Văn Hai 2 với diện tích 668 ha. Trong đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định bổ sung quy hoạch này cho TPHCM nên việc tiến hành quy hoạch và đấu thầu để xây dựng cơ sở hạ tầng đang là cơ hội để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn…

Các diễn giả tham gia thảo luận

Các diễn giả tham gia thảo luận

Đến nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000 ha. Các KCN được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.

Tin cùng chuyên mục