Delibot, một robot được công ty khởi nghiệp Connected Robotics của Nhật Bản phát triển, có thể đổ đầy và đóng gói 250 túi thực phẩm/giờ. Trung bình, một công nhân có thể hoàn thành 300-400 túi/giờ. Thế nhưng, robot có ưu thế vì không bao giờ ngủ. Những robot như Delibot có thể xem là “phao cứu sinh” cho ngành công nghiệp thực phẩm nói riêng và nhiều ngành nghề khác nói chung tại Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề về nhân khẩu học.
Dân số ngày càng giảm và già đi dẫn đến tình trạng thiếu lao động kinh niên, đe dọa đến sự phát triển kinh tế của quốc gia Đông Á. Theo báo Japan Times, tình trạng thiếu hụt lao động thể hiện rõ trong lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với các công việc phải sử dụng nhiều lao động như điều dưỡng và xây dựng.
Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng tiềm tàng khác đang rình rập ngành logistics, xuất phát từ việc quản lý chặt chẽ hơn, giới hạn số giờ làm thêm (nằm trong kế hoạch cải cách thị trường lao động của Chính phủ Nhật Bản), làm dấy lên những lo ngại về tình trạng thiếu tài xế… Japan Times dẫn kết quả khảo sát tại khu vực tư nhân cho thấy, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều trong vài thập niên tới, với số lao động thiếu hụt ước tính khoảng 11 triệu người vào năm 2040.
Trước thực trạng này, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nhật Bản sẽ bao gồm tự động hóa dây chuyền sản xuất và thiết bị kiểm soát chất lượng với sự hỗ trợ của AI, cũng như ứng dụng robot vào việc vệ sinh và dịch vụ khách hàng. Chính phủ nước này sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đối với trang thiết bị trong danh sách các sản phẩm đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Bộ Kinh tế Nhật Bản cho rằng, các biện pháp ứng phó tình trạng thiếu hụt lao động có ý nghĩa rất quan trọng để giúp các công ty nhỏ mở rộng kinh doanh và tăng lương cho người lao động. Bộ trên đặt mục tiêu dành 100 tỷ yen (khoảng 660 triệu USD) cho việc trợ cấp doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia nhận định, Nhật Bản đã “quen” với việc phải đối mặt với các nguồn lực hạn chế, gồm cả người lao động. Trong lịch sử phát triển của thế giới, nước này luôn đi đầu về phát triển công nghệ. Do đó, tự động hóa và robot nhằm thay thế hoặc nâng cao năng suất lao động của con người là những khái niệm đã quen thuộc trong xã hội Nhật Bản. Như Công ty Kawasaki Robotics bắt đầu sản xuất thương mại robot công nghiệp từ gần 5 thập niên trước. Khoảng 700.000 robot công nghiệp đã được sử dụng trên toàn thế giới vào năm 1995, trong đó có 500.000 robot ở Nhật Bản.
Vậy nên, việc tăng cường đầu tư cho công nghệ tự động hóa và AI là điều hiển nhiên trong bối cảnh xã hội già hóa dân số hiện nay. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang áp dụng công nghệ mới đề bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động và duy trì tính cạnh tranh. Ví dụ như chuỗi cửa hàng tiện lợi bán lẻ Family Mart đẩy mạnh sử dụng máy tính tiền tự thanh toán để giảm nhu cầu sử dụng nhân viên…