Có thể khẳng định, việc làm tốt công tác đấu tranh, phòng chống quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn đã góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, giúp kinh tế thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Củng cố niềm tin bằng những hành động thực tiễn
Thực tiễn đấu tranh phòng, chống và phản bác quan điểm sai trái, thù địch của TPHCM đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là cần có nhận thức đúng về tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị. Đảng ủy các cấp nhận thức rõ việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hoạt động có mục đích của Đảng nhằm vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng của các thế lực thù địch chống phá Đảng, góp phần củng cố niềm tin vào hệ tư tưởng của Đảng.
Mục đích của đấu tranh là bảo vệ, là củng cố niềm tin. Nếu chúng ta đấu tranh phản bác được nhiều quan điểm sai trái, thù địch nhưng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào hệ tư tưởng, vào sự lãnh đạo của Đảng không tăng lên thì cũng không có ích lợi gì. Do đó, cần xác định “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Vì vậy, vấn đề cốt tử của mặt công tác này là “giữ vững bên trong” để “tự bảo vệ”, để đủ “sức đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch.
Bên cạnh đó, mỗi một cán bộ đảng viên, công nhân viên chức, nhất là người đứng đầu cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi khi có nhận thức rõ, đúng và quan tâm sâu sát thì người cán bộ, đảng viên mới có thể đề ra các kế hoạch, chương trình hành động để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mang lại hiệu quả thiết thực.
Các cơ quan Đảng cần có sự quan tâm đúng và trúng, bằng cả tâm và tầm của mình trong các mặt hoạt động của cán bộ, đảng viên, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nhất là trong các mặt công tác liên quan đến giáo dục chính trị, tư tưởng.
Thực tiễn cho thấy, để bất cứ một tổ chức nào hoạt động hiệu quả, thì vai trò của người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Một khi người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận thức chính trị sâu sắc, đặc biệt là có thái độ chính trị tốt thì chắc chắn họ sẽ luôn sát sao, chỉ đạo có hiệu quả việc phòng ngừa, đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch.
Trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên
Đặc biệt, cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ, bên cạnh việc “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, thì cần phải “dám nói”. Thực tế cho thấy, im lặng là thủ tiêu đấu tranh và là môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển - và đó chính là cơ hội, mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch tuyên truyền, chống phá.
Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt của thành phố cần phải nêu gương, bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương phải càng lớn. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận, đạo lý của bất cứ một người đảng viên nào và luôn được quán triệt trong toàn đảng bộ.
Việc nêu gương tưởng như mơ hồ, trừu tượng, nhưng nó được soi chiếu rất cụ thể vào mỗi cán bộ đảng viên, trong mối quan hệ với người thân, gia đình; trong thực hành chức trách, nhiệm vụ được giao… Nó được “định hình” từ việc có hoàn thành nhiệm vụ công việc của mình hay không? Lập trường tư tưởng chính trị có vững vàng, kiên định, có tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân hay không? Đạo đức, lối sống có công tâm, khách quan không?…
"Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu" Tổng Bí thư, Chủ tịch nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG |
Một khi cán bộ đảng viên nêu gương tốt, đó là cơ sở để không dính đến tiêu cực, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân đối với người cán bộ đứng đầu - nhân tố quan trọng để họ tin tưởng vào sự lãnh đạo của của Đảng, và cũng là yếu tố quan trọng để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Đẩy mạnh các hoạt động báo cáo chuyên đề, tập huấn kỹ năng nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đoàn viên các cấp, nhất là lực lượng nòng cốt như: hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh...
Thực tiễn tại TPHCM cho thấy, việc nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là rất khó, đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy, các buổi báo cáo chuyên đề, tập huấn kỹ năng… là kênh giáo dục, cung cấp tri thức tốt nhất, phục vụ cho việc nhận diện, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Đặc biệt, cần có kế hoạch, chương trình cụ thể trong việc phổ biến, tuyên truyền, giúp sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng và công nhân ở các công ty, khu chế xuất, khu công nghiệp… trên địa bàn nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; từ đó tạo lập “cơ chế tự phòng vệ”, “miễn nhiễm” với các thông tin sai trái, thù địch.
Mặt khác, cần khắc phục sự yếu kém trong quản lý những nội dung thông tin trên mạng internet phản ánh phiến diện, suy diễn liên quan đến các vụ việc phức tạp, những bài viết thiếu tính chính xác, sai lệch bản chất về những vấn đề văn hóa, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm soát, định hướng trong việc đưa thông tin chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách của một số báo điện tử.
Qua thực tiễn cho thấy, Đảng bộ TPHCM đã rất quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện, đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, đấu tranh với những phần tử suy thoái về tư tưởng chính trị ngay từ cơ sở - tức từ các chi bộ, khu dân cư. Ngoài kênh báo chí, lãnh đạo TPHCM cũng như ở cấp quận huyện duy trì gặp gỡ, tiếp xúc, để trực tiếp phản bác, đấu tranh trực diện với những đối tượng có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Đồng thời đã phát huy hiệu quả vai trò của các cán bộ lão thành, hưu trí, đồng chí, đồng đội có uy tín của các đối tượng để gặp gỡ, vận động, từng bước thuyết phục; hướng dẫn và chỉ đạo cấp ủy đấu tranh, phê phán trong sinh hoạt tại từng chi bộ. Bên cạnh đó, lãnh đạo TPHCM cũng thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm tình hình diễn biến hoạt động trên internet, mạng xã hội của các thế lực thù địch, chống đối chính trị trong và ngoài nước; tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để chủ động phối hợp xử lý và tham mưu lãnh đạo thành phố chỉ đạo xử lý, giải quyết. |