Bộ NN-PTNT sẽ triển khai đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính |
Ngày 28-3, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT cùng Viện Nghiên cứu lúa quốc tế đã tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp công nghệ chuyển đổi lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải thấp trong nông nghiệp Việt Nam.
Đây là hành động để tiến dần tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 nhờ các giải pháp đồng bộ về chọn tạo giống lúa chất lượng cao, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp.
Bộ NN-PTNT cho biết, sản xuất lúa gạo ở nước ta chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính và hơn 75% lượng khí thải metan của toàn ngành nông nghiệp. Nhưng tình trạng thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn, các biện pháp canh tác chưa bền vững, liên kết nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, đặt ra thách thức về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.
Bà con nông dân đi thăm những cánh đồng lúa chất lượng cao |
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, đề án 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh đã được Bộ NN-PTNT hoàn thiện dự thảo, có ý nghĩa quan trọng để chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo đề án này, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao sẽ sử dụng giống có chứng nhận đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu đa giá trị, nhất là về dinh dưỡng, nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp. Đề án đặt ra yêu cầu áp dụng quy trình canh tác bền vững, sử dụng ít vật tư đầu vào (nhất là phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống, nước) và được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác liên kết. Các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, được số hóa vùng trồng để truy xuất nguồn gốc.
ĐBSCL không chỉ là vựa lúa gạo của Việt Nam mà còn hướng đến cánh đồng xanh, ít phát thải |
Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 4 và được triển khai từ năm 2024 tại ĐBSCL.
Đến nay, 12/13 tỉnh, thành tại ĐBSCL đã đăng ký tham gia với định hướng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 đạt 719.000 hécta và đến năm 2030 đạt 1,015 triệu hécta . Trong đó, tỉnh An Giang là địa phương đăng ký vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao lớn nhất (dự kiến đến năm 2025 đạt 150.000 hécta và đạt 200.000 hécta vào năm 2030).
Trước mắt, Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh, thành tại ĐBSCL rà soát lại diện tích 184.000 hécta lúa đã được đưa vào dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) để đưa toàn bộ diện tích này vào đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao và triển khai sớm.
Giống chất lượng cao và sử dụng ít phân bón sẽ giúp nông dân ĐBSCL canh tác lúa giảm phát thải |
Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, diện tích chuyên canh lúa (đất canh tác) chất lượng cao toàn ĐBSCL đạt trên 500.000 hécta, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng/năm và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo). Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%. Rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 80% diện tích thu hoạch.
Mục tiêu đến năm 2030, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu hécta, tương ứng khoảng 2 triệu hécta gieo trồng/năm và sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo). Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%, giảm phát thải khí nhà kính trên 20%.