Đâu rồi cái tình nghệ sĩ?

Sau đêm chung kết một cuộc thi về vọng cổ trên truyền hình, giải thưởng cũng đã trao nhưng những lời bàn ra tán vào vẫn âm ỉ trong một bộ phận khán giả lẫn người trong nghề. Câu chuyện này không có gì lạ, bởi cuộc thi nào, giải thưởng nào thì phía hậu trường ít nhiều đều có những ồn ào… 

Nhưng ồn ào ở sân khấu cải lương lại khiến người ta trăn trở nhiều hơn. Bởi thực tế hiện nay, cải lương đã “èo uột” thế nào, mà nội bộ cứ xào xáo thì làm sao viết tiếp chuyện trăm năm nữa để xứng danh với những vàng son của tiền nhân thuở trước.

Nhắc đến văn hóa nghệ thuật đất Nam bộ mà không kể đến cải lương là một thiếu sót lớn. Trăm năm vàng son ấy, sách vở, văn chương đã nói nhiều, còn chuyện hôm nay biết phải nói làm sao, khi đào kép ca hay diễn giỏi, soạn giả tài hoa thì thiếu, mà lộn xộn hậu trường thì nhiều.

Ngay sau đêm chung kết cuộc thi dành cho cải lương trên truyền hình, mạng xã hội của nhiều nghệ sĩ và soạn giả lập tức dậy sóng. Mỗi người một ý kiến và tất nhiên “phe người này” sẽ chê thậm tệ “phe bên kia”. Bài viết trên trang cá nhân của soạn giả H., hơn 100 bình luận mà đa phần là chỉ trích, thậm chí chửi thậm tệ một giám khảo tên V. Ngay từ đầu bài viết, soạn giả H. nói rõ không theo dõi cuộc thi và chỉ biết kết quả qua báo đài, nhưng các lượt bình luận và chia sẻ bài viết này “ăn theo” một cách bất chấp.

Cách đây không lâu, một hội diễn của sân khấu cải lương cũng rùm beng chuyện hậu trường của các nghệ sĩ. Sau mỗi đêm diễn, trang cá nhân của một nữ đạo diễn kỳ cựu lại “nhộn nhịp”. Các bài viết bình luận điểm chưa hay, hay ý kiến của ban giám khảo về những điểm chưa tốt của vở diễn, được lôi ra bàn luận. Đa phần trong đó là những bình luận không hề mang tính xây dựng mà chỉ cố lôi chuyện đời tư của giám khảo đã góp ý ra để soi mói, tệ hơn là buông những lời khiếm nhã.

“Phe này” nói xấu “phe kia” cũng là chuyện thường tình trong cuộc sống này, nhưng ở cải lương, một vở diễn đòi hỏi sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, mà tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”, nội bộ nói xấu nhau thì nghệ sĩ phải đối mặt với nhau thế nào và liệu rằng sản phẩm đến công chúng có thật sự chất lượng?

Chính trong cải lương, ai cũng hiểu không phải nghệ sĩ ca vọng cổ dài hơi, hay lên nốt cao chót vót thì mới làm đào, kép nổi tiếng. Có những giọng ca mà đời sau kính nể gọi là danh ca, giọng hát đẹp ở những nốt trầm mà cất lên thì không lẫn vào đâu được. Cải lương của hôm nay, có lẽ cũng cần như vậy. Chúng ta cần bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật đặc trưng của đất Nam bộ, và cũng phải biết chấp nhận thực tế cải lương không phải loại hình nghệ thuật giải trí mang tính thị trường, không thể đòi hỏi khán giả rầm rộ và nhất nhất chỉ biết có cải lương như thuở trước được.

Nhiệm vụ của người nối nghiệp cải lương hôm nay là cần phải giữ lấy tinh hoa mà thế hệ trước đã để lại, bảo tồn và phát triển nó trong xu hướng hiện đại để hài hòa với thị hiếu đương thời của khán giả. Nhiều gương mặt mới, vở tuồng mới cũng đang được các sân khấu xã hội hóa đầu tư… có thể khác hơn so với lớp nghệ sĩ trước, nhưng khác biệt không có nghĩa là sẽ dở hơn.

Tin cùng chuyên mục