Đóng đinh “phận làm dâu, ở rể”
Bà Thu Nga (quận Bình Thạnh, TPHCM) hay tâm sự với mấy bà bạn hàng xóm, rằng bà không thích cô con dâu lớn. Con dâu lớn là dân thành phố, học cao hơn con trai bà, là người phụ nữ hiện đại, bận rộn công việc suốt ngày. Theo bà Nga, con dâu lớn không phải là đối tượng mà bà thật sự muốn cưới cho con. Nhưng vì tình yêu của Phương, con trai bà Nga, dành cho người yêu quá lớn, nên bà đành chấp nhận cho cưới chứ vẫn không thích.
Cũng vì có thành kiến đó, trong giao tiếp, bà thường hay xét nét và cư xử khá “bạc” với con dâu. Có món ngon, quà đẹp, bà luôn nhắn với con dâu: “Đây là phần cho thằng Phương”. Dù sống với con dâu nhiều năm, bà Nga cũng không thể thốt được tiếng nói “cho hai vợ chồng con”.
Sống chung với mẹ chồng 3 năm, con dâu lớn của bà Nga sinh được một bé gái bụ bẫm. Khi con dâu đi sinh, bà Nga vô thăm, nhìn cháu được hai lần rồi thôi. Vì theo quan điểm của bà, con trai mới quý. Sinh con xong, con dâu lớn viện cớ về nhà mẹ đẻ ở cữ, rồi kéo thời gian thêm nhiều tháng để dưỡng sinh với lý do em bé còn nhỏ. Một thời gian sau đó, vợ chồng con trai bà Nga chủ động xin ra riêng.
Anh Ngọc Tâm (quận Tân Phú, TPHCM) lấy vợ đã nhiều năm, cũng có với nhau 2 mặt con. Vì kinh tế có hạn nên lâu nay vợ chồng anh vẫn sống chung với ba mẹ vợ. Phận ở rể khiến anh có nhiều e dè trong môi trường, không gian sinh hoạt chung.
Tự anh Tâm cũng ý thức mình đang “ở nhờ”, nên chỉ cần ba mẹ vợ “tằng hắng”, nói xa gần hay trách khéo một chút về việc nào đó là anh hiểu mình nên như thế nào, làm gì. Tất cả mọi chuyện liên quan đến các quyết định về mua sắm, chi tiêu, tiền bạc… của gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ, anh gần như là người đứng ngoài cuộc. Anh không có ý kiến để tránh thêm phiền phức, rắc rối, vì góp ý có khi lại nghe được ba mẹ vợ nhắc khéo chuyện anh đang ở rể, không lo nổi mái nhà tươm tất cho vợ con.
Trao đi và nhận lại
Trong bữa cơm chiều ở nhà bà Hoa (quận Gò Vấp, TPHCM), ông Thịnh (chồng bà Hoa) vui miệng kể câu chuyện mới lướt thấy trên mạng. Chuyện về một ông có 7 cô con gái, 7 anh con rể và một đàn cháu. Ông cụ lớn tuổi nên bệnh, phải vào viện nằm, thì cả 7 anh con rể đều luân phiên nhau vào chăm sóc ba vợ. Nhiều lúc các anh còn tự giác rủ nhau vào túc trực suốt bên ông cụ, không cần vợ đi theo.
Câu chuyện cảm động ở chỗ: cái tình của ba vợ dành cho mấy anh con rể phải như thế nào thì các chàng trai mới tự nguyện vào thăm ông, ở bên ba vợ suốt cả ngày, chăm sóc ông từng miếng cơm, ly nước, thật tình cảm. Mấy cô con gái của ông cụ cũng chia sẻ, ba mẹ rất thương các con rể và các cháu. Nhà dù đông người, mỗi người một tính, nhưng tình cảm ông bà, ba mẹ, vợ chồng, con rể và các cháu chưa bao giờ có xích mích hay tranh cãi gì. Chính tình yêu thương ấm áp của ba mẹ đã giúp con cháu trong nhà hòa thuận, hiếu thảo, gần gũi, luôn yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau.
Bà Kim Ngọc (quận 6, TPHCM) thì “chiều” con dâu hết cỡ. Cảm thông con dâu ngày nào cũng vất vả ngược xuôi, dầm mưa dãi nắng kiếm tiền phụ lo gia đình, nên chẳng khi nào bà Ngọc càm ràm hay phiền hà chuyện con dâu không biết nấu ăn ngon, không có nhiều thời gian lau dọn nhà cửa. Ở nhà, bà Ngọc hay đi chợ nấu đủ các món ngon cho con dâu và cháu nội. Bà bảo, để tụi nhỏ ăn ngon miệng, no bụng, mấy đứa cháu mau lớn, cả nhà vui vẻ.
Chị Thương, con dâu bà Ngọc, tuy không phải nặng lo quán xuyến việc trong nhà, nhưng hôm nào được rảnh chị cũng xắn tay áo phụ mẹ chồng quét dọn, lau chùi nhà cửa. Khi nhà có hữu sự, chị Thương hay hỏi ý kiến mẹ chồng, và bà Ngọc luôn là hậu thuẫn tinh thần rất tốt để con dâu quyết định, giải quyết mọi việc êm thấm, thuận lợi. Mỗi khi tâm sự với bạn bè, chị hay bày tỏ niềm hạnh phúc, rằng chị rất có phước khi được mẹ chồng thương yêu, chăm sóc, cảm thông.
Chị Thương chia sẻ: “Sống với mẹ chồng hơn 20 năm, tôi cảm thấy tình cảm mà mẹ dành cho tôi rất lớn. Chưa bao giờ tôi thấy giữa mẹ và tôi có khoảng cách mẹ chồng - nàng dâu hết. Bà như người mẹ ruột thứ hai của tôi vậy!”.
Người xưa có câu: “10 năm đầu nhìn mẹ chồng, 10 năm sau xem thái độ nàng dâu”. Hiểu một cách đơn giản, 10 năm đầu khi con dâu mới về nhà chồng, là thời điểm có nhiều khó khăn, từ sự nghiệp, con cái, làm quen nơi ở mới, tìm hiểu những thói quen sinh hoạt mới… thì lúc này, mẹ chồng cùng là phận phụ nữ, nên yêu thương, quan tâm, chăm sóc, chỉ dẫn cho cô gái trẻ mới về làm dâu hiểu hơn về gia đình mới, thích nghi dần với nơi ở mới.
Chính tình cảm và cách cư xử khéo léo của mẹ chồng sẽ tạo được tình yêu thương, sự kính phục từ phía nàng dâu. Khi tình cảm ấy được nuôi dưỡng trong nhiều năm, sẽ kiến tạo được sự khắng khít, yêu thương chân thành cho con trẻ, giúp xóa đi khoảng cách mẹ chồng - nàng dâu trong tương lai 10 năm kế tiếp và cả thời gian mấy mươi năm về sau nữa.