Theo đó, tường vây giữa 2 đoạn ngầm được phá dỡ thông suốt toàn tuyến. Thời gian tới, nhà thầu chuyển sang giai đoạn lắp đặt thiết bị.
Theo ban quản lý, đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự kiện kết nối thông suốt toàn tuyến từ depot Long Bình (quận 9, TPHCM và Bình Dương) đến ga trung tâm Bến Thành (quận 1), nối thông toàn bộ 3 ga ngầm Bến Thành - Nhà hát Thành phố - Ba Son. Đồng thời đánh dấu việc chuyển giao giai đoạn của dự án từ tập trung thi công phần kết cấu công trình sang lắp đặt đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... Từ đó lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, bảo đảm hoàn thành 85% khối lượng công việc trong năm 2020 để đưa vào vận hành, khai thác cuối năm 2021.
Tuyến Metro số 1 dài 19,7km gồm 14 ga, kéo dài từ Long Bình (quận 9) đến Bến Thành (quận 1) được khởi công vào tháng 8-2012. Hơn 12km trên cao đã được thông tuyến vào tháng 6-2018. Đoạn ngầm dài 2,6km gồm gói thầu 1b (2 ga ngầm Nhà hát Thành phố và Ba Son) và gói thầu 1a (ga Bến Thành). Công tác tái lập mặt đường Lê Lợi (đoạn từ Đồng Khởi đến Pasteur) và công viên trước Nhà hát Thành phố dự kiến hoàn thành trước 30-4 năm nay. Đến tháng 6, đầu máy và các toa tàu sẽ về tới TPHCM chuẩn bị cho việc vận hành.
Dự án Tuyến Metro số 1 được UBND TPHCM phê duyệt năm 2007, với tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng. Đến năm 2010, mức đầu tư phê duyệt tăng lên 47.000 tỷ đồng do điều chỉnh thiết kế, tỷ giá đồng yên Nhật thay đổi...
Trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, Quốc hội cho phép TPHCM duyệt tổng mức đầu tư mới là 43.600 tỷ đồng, giảm 3.400 tỷ đồng. Thành phố 3 lần tạm ứng vốn từ ngân sách để thi công dự án với tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, Bộ KH-ĐT sẽ bố trí vốn để tiếp tục thi công, đồng thời hoàn vốn lại cho ngân sách TP.