Cụ thể, tổng chỉ tiêu năm 2018 là 455.174 so với chỉ tiêu của năm 2017 là 449.559. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 2,75 triệu nguyện vọng, vào 7 khối ngành.
Điểm đáng chú ý của tuyển sinh 2018 là đa số nguyện vọng của thí sinh vẫn là xét tuyển vào ĐH. Trong đó khối ngành I (Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) và khối ngành VII (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng) đã chiếm đến 888.574 nguyện vọng xét tuyển trên tổng 118.028 chỉ tiêu.
Theo đánh giá của một số chuyên gia ĐH, năm nay có một sự dịch chuyển rất lớn trong tư duy chọn ngành, chọn nghề của thí sinh. Các tổ hợp xét tuyển và nhóm ngành thí sinh lựa chọn - tương ứng với các ngành nghề mà nhu cầu nhân lực trong tương lai đang rất cần, như Dịch vụ xã hội, Khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến… Tức là đã có xu hướng gia tăng của nhóm ngành nghề vốn không được xem là “hot”, là ngành “hái ra tiền” trong xã hội.
Nhưng điểm đáng lo ngại của tuyển sinh 2018 cũng như của thị trường lao động là số thí sinh lựa chọn trường cao đẳng và trung cấp không nhiều. Năm 2018 có 688.641 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH so với tổng chỉ tiêu năm 2018 là 455.174. Như vậy, tỷ lệ thí sinh dôi dư giữa tổng chỉ tiêu xét tuyển vào các trường ĐH là không nhiều - chỉ còn 233.467 thí sinh.
Cùng với số thí sinh chỉ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp là 237.320 (đối tượng các trường cao đẳng, trung cấp có thể tuyển sinh) thì tổng cộng còn khoảng 470.000 thí sinh là nguồn tuyển cho các trường cao đẳng, trung cấp. Con số này được cho là quá ít với chỉ tiêu của hàng trăm trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên cả nước.
Rõ ràng, qua những con số thống kê mà Bộ GD-ĐT công bố, có thể thấy nguồn tuyển của các trường ĐH là khá ổn, khi giữa tổng chỉ tiêu tuyển sinh (455.174) với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển (688.641 thí sinh), số dôi dư là khá nhiều (233.467).
Còn hàng trăm trường cao đẳng và trung cấp chỉ vỏn vẹn hơn 470.000 thí sinh còn lại, cộng thêm việc có đến 2,7 triệu nguyện vọng mà số thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay đã lựa chọn xét vào các trường ĐH (tức là thí sinh rất khó để trượt ĐH) thì việc các trường cao đẳng, trung cấp khó khăn trong tuyển sinh là điều hoàn toàn có thể xảy ra (cả nước hiện có hơn 500 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp).
Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH vẫn quá lớn. Phải chăng với khuynh hướng thích học ĐH hơn học nghề ở phần đông thí sinh như hiện nay, cho thấy công tác phân luồng của chúng ta vẫn chưa thật hiệu quả?
Trong khi đó, thực tế cho thấy, “ngã rẽ” thấp hơn trong học tập, lựa chọn nghề nghiệp mới đôi khi lại là con đường mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp, khởi nghiệp cho bản thân nhất trong kỷ nguyên số.
Phải chăng nhiệm vụ của các trường cao đẳng, trung cấp và xã hội là phải chứng minh cho học sinh thấy điều đó, để bảo đảm rằng, chúng ta sẽ không lãng phí trong việc đào tạo. Bởi có những ngành nghề, vị trí, các em không cần học ĐH cũng đã đáp ứng yêu cầu của thị trường nhân lực.