Thúc đẩy hợp tác đa phương
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin - nền kinh tế chủ nhà APEC 2020 - kêu gọi các nền kinh tế nằm trên vành đai Thái Bình Dương đoàn kết chống đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Thủ tướng Yassin khẳng định, APEC sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc dẫn dắt nỗ lực hồi phục sau đại dịch. Ông Yassin đồng thời hối thúc các nền kinh tế thành viên APEC đảm bảo quyền tiếp cận vaccine và công nghệ y tế công bằng.
Tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Yassin nêu các lĩnh vực ưu tiên của APEC gồm: ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, thúc đẩy nền kinh tế số và tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu qua video, trong đó khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nền kinh tế thành viên APEC để kiến tạo và chia sẻ tương lai hòa bình, thịnh vượng và tươi sáng của khu vực, đồng thời tiến tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng chung tương lai cho loài người. Theo ông, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên dẫn dắt và giúp kinh tế toàn cầu mở cửa, bao trùm và cân bằng để những lợi ích của nó được chia sẻ cho tất cả. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh ủng hộ APEC trong việc tăng cường trao đổi chính sách và xây dựng năng lực trong các lĩnh vực, bao gồm y tế công cộng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo thuận lợi cho cuộc chiến chung chống đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế.
Trước những tác động và thiệt hại nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với thế giới và khu vực, các nhà lãnh đạo APEC bày tỏ chia sẻ sâu sắc với những mất mát của người dân và tri ân những lực lượng đã và đang ở tuyến đầu chống dịch.
Hội nghị nhấn mạnh quá trình phục hồi còn nhiều rủi ro và không đồng đều, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Các nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục thúc đẩy các gói kích thích kinh tế, chú trọng tài khóa minh bạch và bền vững, tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu của người dân, nhất là các doanh nhân và tạo thêm nhiều việc làm mới.
Các nhà lãnh đạo APEC cũng khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường lòng tin, phối hợp hành động và thúc đẩy hợp tác đa phương, nắm bắt các cơ hội mới trên nền tảng công nghệ số, kết nối số để đưa châu Á - Thái Bình Dương sớm phục hồi và tiếp tục giữ vai trò động lực của tăng trưởng toàn cầu. Hội nghị đề cao vai trò của khoa học công nghệ trong kiểm soát và ứng phó dịch bệnh, bảo đảm khả năng tiếp cận bình đẳng của tất cả người dân đối với vaccine và các sản phẩm y tế thiết yếu an toàn, chất lượng, hiệu quả và chi phí hợp lý.
Đáng chú ý, hội nghị có nhiều ý kiến lạc quan về triển vọng xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, hoan nghênh Hiệp định Đối tác toàn diện chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được triển khai và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết ngày 15-11 tại Hà Nội.
Trên cơ sở đánh giá những thành tựu của khu vực trong triển khai các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở được thông qua từ năm 1994, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tầm nhìn mới của hợp tác khu vực. Theo đó, Tầm nhìn đến năm 2040 là xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Tầm nhìn APEC 2040 sẽ được hiện thực hóa thông qua đẩy mạnh các trụ cột hợp tác nền tảng của APEC về thương mại và đầu tư mở và tự do, liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, hợp tác kinh tế kỹ thuật… cùng với các động lực mới về đổi mới, sáng tạo, quá trình số hóa và chuyển đổi số, tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.
Đẩy mạnh ứng phó “đa khủng hoảng”
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhiều nhận định về cục diện thế giới và khu vực cũng như định hướng thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó dịch bệnh thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và trên hết là tăng cường hợp tác đa phương cũng như cân bằng giữa hành động ngắn hạn và xử lý các thách thức trung và dài hạn trong ứng phó “đa khủng hoảng” hiện nay.
Về định hướng hợp tác APEC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng trước những kỳ tích về phát triển kinh tế, xã hội của châu Á - Thái Bình Dương sau hơn 25 năm theo đuổi thực hiện các Mục tiêu Bogor; đồng thời khẳng định trọng trách kế thừa các thành tựu, cùng nhau xây dựng tương lai để APEC tiếp tục phát huy vai trò không thể thiếu và khả năng thích ứng trong một thế giới thay đổi và cấu trúc khu vực đang định hình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số đề xuất có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy hợp tác APEC thời gian tới. Thủ tướng đề nghị APEC phối hợp hành động kiểm soát dịch Covid-19, thúc đẩy liên kết kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh động lực mới đối với APEC chính là thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực để nâng cao các giá trị cốt lõi của APEC trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. APEC cần đi đầu đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực số, đẩy mạnh kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách số… Bên cạnh đó, phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, nguồn nước, biến đổi khí hậu… cần trở thành trụ cột mới của hợp tác APEC.
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 27 đã thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040 và Tuyên bố chung Kuala Lumpur năm 2020, đánh dấu việc hoàn thành thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng về thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC và xây dựng định hướng hợp tác của APEC trong giai đoạn phát triển mới, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tháng 11-2017 tại TP Đà Nẵng. Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chính thức nhận bàn giao vai trò chủ nhà Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 với chủ đề “Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng”. |