Anh - Pháp lại rạn nứt
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết, các nhà đàm phán Nga và Ukraine không đạt được những kết quả đáng kể trong vòng đàm phán thứ 3 tại Belarus nhưng đã tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan hoạt động sơ tán dân thường.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo, trong ngày 8-3, người dân sẽ bắt đầu rời thành phố Sumy. Trước đó, phát biểu sau cuộc họp không chính thức của ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) tại thành phố Montpellier, miền Nam nước Pháp ngày 7-3, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, có thể sẽ có khoảng 5 triệu người từ Ukraine sơ tán sang các nước EU nếu chiến sự vẫn tiếp diễn. Ủy ban châu Âu đã công bố khoản viện trợ bổ sung 500 triệu EUR (560 triệu USD) để hỗ trợ hoạt động nhân đạo tại Ukraine.
Trong khi đó, giữa Anh và Pháp lại tiếp tục có những bất đồng liên quan đến việc hỗ trợ dòng người tị nạn từ Ukraine mắc kẹt tại cảng Calais ở phía Bắc nước Pháp, bên bờ eo biển Manche với Anh, khiến quan hệ song phương lại rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ngày 7-3, Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết viện trợ thêm 175 triệu bảng (230,28 triệu USD) cho Ukraine để hỗ trợ Kiev đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một gia tăng, trong đó 100 triệu bảng sẽ được cung cấp trực tiếp cho Chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, ông Johnson lại bác bỏ việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục nhập cảnh để giúp những người tị nạn Ukraine mắc kẹt ở Calais mà phía Pháp hối thúc. Truyền thông cho biết, đến cuối tuần qua, Anh mới chỉ cấp visa cho 50 trường hợp là công dân Ukraine.
Chưa thể giảm phụ thuộc
Trong bối cảnh giá dầu mỏ gần chạm mốc 140 USD/thùng, mức cao nhất trong 14 năm qua, tối 8-3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Quyết định này được đưa ra bất chấp trước đó Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo giá dầu có thể tăng lên mức hơn 300 USD/thùng nếu Mỹ và EU cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Dự kiến, Chính phủ Anh cũng sẽ công bố các biện pháp giảm phụ thuộc dần vào việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thừa nhận châu Âu không thể ngay lập tức ngừng sử dụng dầu và khí đốt của Nga, song có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi theo hướng giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga bằng cách tìm kiếm nguồn cung cấp khác ngoài Nga.
Rõ ràng, trong khi Mỹ có những nguồn tự cung đáng kể thì các nước châu Âu còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga. Trong thông báo đưa ra sau cuộc thảo luận trực tuyến với với các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp ngày 7-3, Thủ tướng Đức Olaf Schol không đề cập các biện pháp trừng phạt mà chủ yếu nêu các quan ngại về cứu trợ nhân đạo. Thủ tướng Đức Scholz cảnh báo lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu từ Nga có nguy cơ đẩy an ninh năng lượng của châu Âu vào vòng nguy hiểm vì hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách nào khác trong lúc này. Đây cũng là cảnh báo được Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đưa ra sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Johnson diễn ra cùng ngày. Thủ tướng Rutte khẳng định, cần nhiều thời gian mới có thể giảm bớt phụ thuộc vào dầu và khí đốt từ Nga.
Bên lề hội nghị năng lượng thường niên CERAWeek lần thứ 40 diễn ra tại Houston (Mỹ) ngày 7-3, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo nhấn mạnh đến vai trò của Nga đối với thị trường dầu mỏ thế giới, cho rằng sản lượng của OPEC không thể bù đắp phần thiếu hụt do lệnh cấm đối với dầu của Nga. |