Đâu là điểm mới đối với phòng cháy cho nhà ở?

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhà ở dân sinh chưa có điểm mới, trong khi vừa qua nhiều vụ cháy xảy ra rất thảm khốc.

Sáng 14-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cho rằng hồ sơ dự án Luật bảo đảm chất lượng đủ điều kiện báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Trong các nội dung quy định tại dự thảo, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản tán thành chính sách của Nhà nước về PCCC và CNCH. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng, huấn luyện, diễn tập PCCC, CNCH; đảm bảo đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ công tác này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng miền; bảo vệ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Chính sách huy động các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia PCCC, CNCH và xã hội hóa PCCC, CNCH cũng được coi là cần rà soát, bổ sung vào dự thảo.

dự .jpeg
Đại diện các cơ quan có liên quan dự phiên họp

Về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị nghiên cứu quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, CNCH phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là những quy định có tính đặc thù, khác với pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu của công tác này.

“Có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu quy định rõ về công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải”, ông Lê Tấn Tới nêu rõ.

Cân nhắc quy định điều kiện an toàn đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới

Đáng lưu ý, theo người đứng đầu cơ quan thẩm tra, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động CNCH, cân nhắc quy định về CNCH trong đám cháy vì việc CNCH khi có cháy là một biện pháp trong hoạt động chữa cháy, được thực hiện theo quy trình khác với các hoạt động CNCH khác.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga góp ý thêm về người chỉ huy chữa cháy: “Khi xảy cháy tại tổ dân phố, thôn xóm thì không phải lúc nào tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, đội trưởng đội chữa cháy ở cơ sở cũng có mặt được, do đó nên bổ sung người chỉ huy chữa cháy là chủ hộ dân, thành viên hộ gia đình”.

Băn khoăn về việc các phương tiện giao thông cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, bà Nga cho rằng dự thảo luật này cần giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể thêm về vấn đề này, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất. Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, về chế độ chính sách đối với người hy sinh hoặc bị thương khi tham gia CNCH, cần có thêm quy định đối với người không chuyên trách, vì đối chiếu với pháp luật hiện hành, đối tượng này có thể không đủ điều kiện để hưởng chế độ như thương binh hoặc liệt sĩ.

VŨ HỒNG THANH.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan tâm đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Lưu ý rằng dự thảo luật này có liên quan đến nhiều đạo luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét, về quy hoạch phòng cháy, dự thảo có nội dung dẫn chiếu sang Luật Quy hoạch, nhưng pháp luật về quy hoạch lại chưa có quy định về vấn đề này. Ngược lại, dự thảo luật lại quy định cụ thể về kinh doanh bảo hiểm, trong khi nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, chỉ cần dẫn chiếu là đủ.

man-6742.jpeg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ quan tâm đến quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy đối với các công trình hạ tầng. Ảnh: VIẾT CHUNG

“Phòng cháy tốt thì ít hoặc không phải chữa cháy”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh khi cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 14-5. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, nội dung này đối với nhà ở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có gì mới.

“Qua tổng kết Luật PCCC năm 2001, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều luật PCCC năm 2013, có thể thấy trong hơn 10 năm qua, chúng ta rất quan tâm tới công tác PCCC, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để lo cho công tác PCCC và CNCH. Nhưng tình hình cháy nổ, tai nạn vẫn xảy ra liên tục hàng năm, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của xã hội. Các vụ cháy thảm khốc ở TPHCM, Hà Nội trong những năm qua là những bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác PCCC và CNCH”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Ghi nhận các cơ quan có liên quan đã rất tích cực soạn thảo, thẩm tra dự án luật này, dù dự án mới được quyết định đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, song Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ quan tâm đến quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy đối với các công trình hạ tầng cơ sở. Ông nói: “Đường ngoài rộng nhưng hẻm thì xe không vào được. Quy hoạch trong các luật khác đã thực sự đảm bảo yêu cầu PCCC chưa. Chỗ nào cũng có họng nước PCCC nhưng khi có cháy thì không dùng được. Công tác diễn tập PCCC địa phương nào cũng làm, quy mô lớn nhưng thực tế địa phương xe chữa cháy lên được 5-7 tầng mà cấp phép cho xây 12 tầng thì không xe nào lên được”.

quang-canh-824.jpeg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, để hạn chế tối đa số vụ, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, tiêu chuẩn quy chuẩn PCCC là nội dung rất cần được quan tâm và cần chú trọng hơn theo hướng làm rõ nội hàm tiêu chuẩn, quy chuẩn; bổ sung thêm những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết; rà soát, phân cấp, phân quyền trong thẩm tra, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy.

“Thực tế, các vụ cháy vừa qua, nhất là cháy nhà dân, chung cư mini đều rất thảm khốc, do đó cần có quy định cụ thể. Cùng với đó là các quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh”.

Tin cùng chuyên mục