
Tôi gặp Nguyễn Thị Thanh Tuyền – vợ của Nguyễn Đức khi cả hai vợ chồng vừa đi hưởng tuần trăng mật ở khách sạn 5 sao Yasaka Nha Trang trở về. Mặt tràn đầy hạnh phúc, Tuyền tâm sự: “Con không thể tưởng tượng được mình lại có một lễ thành hôn trọn vẹn và những ngày tuyệt vời như thế”.
- Tình yêu huyền diệu

Nguyễn Đức và Nguyễn Thị Thanh Tuyền trong ngày cưới. Ảnh: MAI HẢI
Nghe Tuyền nói, tôi bỗng nhớ đến buổi trưa ngày 16-12-2006, tiệc cưới của Đức - Tuyền được tổ chức tại nhà hàng Yasaka – Bảo Trân. Đã từng đi dự rất nhiều đám cưới nhưng chưa bao giờ trong tôi lại ngập tràn xúc cảm như vậy. Khách mời của buổi lễ phần lớn là những vị có tên tuổi trong ngành y với rất đông người nước ngoài, nhiều nhất là người Nhật, các phóng viên quay phim, chụp hình trong và ngoài nước, cùng một số trẻ mồ côi, tàn tật ở Làng Hòa Bình 2, Bệnh viện Từ Dũ.
Tình yêu giữa Đức – một người tàn tật được mổ tách đôi từ cặp song sinh dính liền với Việt theo kiểu “Ischiopagus Tripus” (dính phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt) – với Thanh Tuyền – cô gái nhỏ hơn Đức một tuổi, là một mối tình huyền diệu. Cả hai quen nhau trong một đám cưới của người bạn như bao nhiêu cặp trai gái bình thường khác. Có khác chăng là ở chỗ người con trai là một thanh niên từng trải qua một ca mổ tách đôi đặc biệt – là một trong 18 ca mổ song sinh phức tạp thành công trên thế giới, trong đó anh là người đầu tiên xây dựng gia đình.
Yêu và quyết định tiến tới hôn nhân với Đức, Thanh Tuyền không phải chưa từng nghĩ đến điều mà nhiều người khuyên giải. Cô biết rằng yêu một người không còn lành lặn sẽ vất vả, song sướng hay khổ trong cuộc đời này nếu do mình tự quyết định thì có gì là đáng ngại! Hiểu như vậy nên Tuyền đã nhận lời yêu Đức và cả gia đình cô cũng đồng thuận.
Trong buổi sáng rước dâu hôm 16-12-2006, chú rể Nguyễn Đức đã quyết định xếp lại cây nạng vẫn đi thường ngày để thay bằng chiếc chân giả. Tuy rằng với chiếc chân gỗ, Đức dễ bị đau nhưng trong giờ phút thiêng liêng của cuộc đời, có chú rể nào lại không muốn được dìu cô dâu đi trên con đường hạnh phúc?
Và rồi khi Đức run run trao chiếc nhẫn cưới cho Thanh Tuyền thì không ai có mặt tại căn nhà nhỏ trong căn hẻm trên đường Thái Phiên, quận 11 hôm ấy không lặng đi vì xúc động.
- Điểm hẹn của lòng nhân ái
Đám cưới Đức - Tuyền có thể coi là điểm hẹn của những tấm lòng nhân ái cao cả không biên giới. Giáo sư - bác sĩ Trần Đông A, người cầm dao mổ chính cặp song sinh dính liền Việt – Đức năm 1988, cho biết: “Hôm nay tôi rất vui khi thấy Đức lấy vợ. Đó cũng là niềm vinh dự vì mình đã cùng anh em thực hiện một ca mổ lịch sử chẳng những mang ý nghĩa trên phương diện khoa học mà cả về mặt nhân đạo”. Riêng Giáo sư, viện sĩ Dương Quang Trung – vị “tổng chỉ huy” cuộc mổ tách Việt – Đức năm nào – tuy sức khỏe không tốt vẫn cố gắng đến dự và trò chuyện rất thân mật với ông Aldis – Chủ tịch hội Anh – Việt, người cùng vận động lấy chữ ký trên khắp thế giới để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Đặc biệt, ông Bunro Fujimoro (người sáng lập và là Chủ tịch Hội Negaukai – hội Vì sự phát triển của hai cháu Việt – Đức) đã xúc động nói: “Tôi không thể ngờ cháu có được một ngày tuyệt vời như hôm nay. Sinh hoạt của Việt – Đức không còn là chuyện riêng của hai cháu nữa mà là sự quan tâm của nhiều người”. Thay mặt Hội, ông trao tặng vợ chồng Đức - Tuyền 2.500.000 yên Nhật (tương đương 340 triệu đồng).
Tôi gặp cả mẹ và chị gái của Việt – Đức tại Bệnh viện Từ Dũ. Từ Sa Thầy, tỉnh Gia Lai – Kon Tum (cũ), họ đã theo Việt – Đức về thành phố Hồ Chí Minh và được bệnh viện nhận vào làm việc từ 20 năm trước. Từ chỗ chỉ có một căn lều rách nát với chiếc vỏ bom được đục phá ra để đựng nước ở quê nhà, đến nay gia đình họ đã khá giả lên nhiều và vô cùng hạnh phúc trong ngày con trai cưới vợ. Chị Lâm Thị Huê, mẹ của Đức, nói trong nước mắt: “Tôi chưa bao giờ dám mơ ước có được ngày hôm nay”.
HỒ HOA