Đau hơn những cái tát


Những ngày gần đây, dư luận vô cùng bất bình, phẫn nộ và đau xót trước vụ việc em H.L.N., học sinh lớp 6.2, Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) phải nhập viện vì bị cô giáo phạt 231 cái tát. 
Trường THCS Duy Ninh - nơi em N. phải nhập viện vì bị cô giáo phạt 231 cái tát
Trường THCS Duy Ninh - nơi em N. phải nhập viện vì bị cô giáo phạt 231 cái tát

Em N., nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy đã phạt bằng cách bắt các bạn cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào mặt N. (tổng số 27 học sinh, có 4 học sinh quên vở bài tập, phải về nhà nên không tham gia “phạt” tát N.). Theo các học sinh phản ánh, nếu bạn nào tát nhẹ, người bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái nên N. bị tát rất mạnh. Khi bị tát cái cuối cùng, N. vừa khóc, vừa đau buột miệng nói tục, cô Thủy đứng cạnh đã tát thêm 1 cái, nâng tổng số cái tát mà N. nhận phải là 231. Sau “đòn tra tấn” này, em N. phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Dinh Mười của huyện Quảng Ninh vào ngày 19-11 trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. 

Đây thực sự là một câu chuyện rất đau lòng, xót xa. Khi sự việc xảy ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình xử lý nghiêm minh vụ việc này; kiên quyết không để những giáo viên có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo như vậy trong ngành. Tạm thời, cô Nguyễn Thị Phương Thủy đã bị đình chỉ dạy học 15 ngày để cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Trước đây, đã có hàng loạt vụ giáo viên xúc phạm, hành hạ khi xử phạt học sinh và bị đuổi khỏi ngành, gần đây nhất là vụ cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng. Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo, trong đó để chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ GD-ĐT cũng nhiều lần đề cập quan điểm kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo… Vậy thì tại sao, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy vẫn bất chấp tất cả để đưa ra một hình thức xử phạt có một không hai đó?

Không chỉ câu hỏi đối với cô giáo này, mà xã hội càng đau xót tự hỏi: Tại sao 23 em học sinh lớp 6 đó lại răm rắp nghe theo lệnh cô để tát thật mạnh bạn mình? Cảnh tượng 23 em học sinh lớp 6 xếp hàng để tát bạn mình thật xót xa và ám ảnh! Ám ảnh vì không hề có lấy một học sinh nào dám trái lời cô, có chính kiến với cô để không tát bạn. Thậm chí có cả trường hợp học sinh tát là họ hàng với nhau, vừa tát người anh của mình vừa khóc. Rõ ràng các em đã rất sợ hãi cô giáo. Giáo dục tình thương đã hoàn toàn thất bại, nhường chỗ cho giáo dục bạo lực. Một câu chuyện buồn của ngành giáo dục Việt Nam; phẫn nộ vì cách hành xử của cô giáo và rất xót lòng khi 23 học sinh không ai phản ứng việc này. 

Câu chuyện này, một lần nữa cho thấy: Phải chăng cách giáo dục đang thực sự có lỗ hổng? Phải chăng cách dạy học hiện nay đang khiến học sinh trường công lập răm rắp nghe lời cô mà không dám phản biện, đấu tranh, nêu chính kiến đúng - sai? Học sinh không dám trái lệnh thầy cô, còn thầy cô thì không dám trái lệnh nhà trường vì thành tích; phụ huynh không dám phản ứng với giáo viên, thiểu số phải phục tùng đa số?... Giáo dục kiểu rập khuôn, “đồng phục” như vậy sẽ gây hậu quả vô cùng lớn, tiêu diệt tư duy, sự độc lập tự chủ, tinh thần phản kháng và đấu tranh, mũ ni che tai trước mọi sự việc. Và, đó mới chính là những cái tát đau đớn cho mọi người và ngành giáo dục.

Tin cùng chuyên mục