Theo tờ Le Monde của Pháp, Kênh Truyền hình Đức ZDF đã phối hợp với tổ chức phi chính phủ Quan sát doanh nghiệp châu Âu (CEO) thực hiện điều tra về mối liên hệ giữa Frontex và ngành công nghiệp giám sát vũ khí. Hàng chục tài liệu thu thập được cho thấy, cơ quan này vi phạm các quy tắc của Liên minh châu Âu (EU) về vận động hành lang, thiếu minh bạch và gần như không quan tâm đến việc tôn trọng quyền cơ bản của người di cư.
Frontex là cơ quan vũ trang đầu tiên của EU có nhiệm vụ cứu hộ và giám sát, với sự hỗ trợ của các lực lượng đa quốc gia. Frontex cũng chiến đấu chống lại các hình thức buôn người và tham gia vào việc trục xuất người di cư bất hợp pháp. Ngân sách Frontex tăng mạnh (6 triệu EUR khi được thành lập vào năm 2005, 460 triệu EUR vào năm 2020, 5,6 tỷ EUR được lên kế hoạch cho giai đoạn 2021-2027) và quân số có thể lên tới 10.000 người trong dài hạn. Trên thực tế, cơ quan này đang trong quá trình trở thành một lực lượng cảnh sát thực sự với rất nhiều trang thiết bị: vũ khí, radar, máy bay không người lái, hệ thống xác minh tài liệu và nhận dạng khuôn mặt, xe cộ, máy bay... Song song đó, với mục tiêu “tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ quan kiểm soát biên giới, nghiên cứu và công nghiệp”, Frontex đã tăng số lượng hội nghị, hội thảo nơi các quan chức cấp cao, cũng như các đại biểu từ các quốc gia thành viên tới gặp gỡ trao đổi.
Nhiều nhà quan sát e ngại, với những phát triển nhanh chóng như vậy, cơ quan này sẽ dấn sâu vào lĩnh vực an ninh và vũ khí, dần thoát khỏi các tiêu chí dân chủ của Nghị viện châu Âu (EP). Các cuộc hội họp của Frontex tổ chức thường xoay quanh các vấn đề công nghệ, an ninh, “giám sát tích cực”, ít khi nói về quyền của người di cư. Trong khi đó, một chính sách di cư chỉ dựa vào lực lượng cảnh sát vũ trang và các kỹ thuật như giám sát sinh trắc học sẽ có nguy cơ gây bất mãn cao. Lâu nay, Frontex bị nghi ngờ trì hoãn việc thiết lập dịch vụ nội bộ chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các quyền cơ bản của người di cư. Cơ quan này cũng hầu như không bao giờ tham khảo ý kiến của Diễn đàn các quyền cơ bản, vốn được thành lập cho mục đích này. Vai trò của Frontex gần đây là chủ đề tranh luận nóng trong các trường hợp hồi hương người tị nạn, đẩy lùi dòng người di cư bất hợp pháp, nhất là ở Hy Lạp và Hungary. Đại diện của CEO khẳng định, đây là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại bởi “bảo vệ nhân quyền quá quan trọng để đánh đổi lấy lợi ích của một ngành”.