“Siêu nhân” gặp “người nhện”
Cứ vài ngày, trên mạng lại thấy xuất hiện một đoạn clip về hành vi của người ngáo đá ở khắp các nơi trong nước. Điều này cho thấy tình hình mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp đã phổ biến đến mức báo động. Do bị loạn thần, người ngáo đá không còn tỉnh táo, có thể làm bất cứ hành vi lố bịch, nguy hiểm nào, từ cởi quần áo đi lang thang nơi đông người, cho đến nhảy xuống sông lớn, leo lên trụ điện cao thế, dùng hung khí uy hiếp người khác…
Khi chứng kiến những vụ như vậy, người dân không dám can thiệp, chỉ biết báo công an xử lý. Đại úy Võ Công Hùng, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 3, cho biết: “Mỗi khi nhận tin có người ngáo đá đang quậy, chúng tôi phải tức tốc xuất phát vì kẻ ngáo đá rất manh động, liều mạng, có thể làm bất cứ điều gì và gây tổn hại đến người khác. Khi tiếp cận đối tượng, chúng tôi áp dụng mọi biện pháp nghiệp vụ, kể cả “năn nỉ”, để có thể thực hiện nhiệm vụ trấn áp đối tượng”.
Ngáo đá quậy phá trên đường phố, nơi công cộng thì còn dễ khuất phục; căng thẳng nhất là những vụ ngáo đá leo trụ điện cao thế, đu ra lan can nhà cao tầng… Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Cứu nạn cứu hộ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM - người leo trèo giỏi và được mệnh danh là “người nhện”, cho biết: “Nếu tỉnh táo, không ai dám trèo ra lan can nhà cao tầng hay leo trụ điện cao thế. Với xe thang, thiết bị an toàn và sự hỗ trợ của đồng đội, chúng tôi mới dám tiếp cận những vị trí như vậy. Vậy mà người ngáo đá thì không còn ý thức để biết sợ. Họ làm những việc đột nhiên thấy thích mà thôi. Trong hàng chục vụ tiếp cận cứu người ngáo đá, chúng tôi ấn tượng nhất với vụ một đối tượng trèo lên trụ điện cao thế. Chúng tôi phải yêu cầu ngành điện cắt điện một khu vực rộng lớn, để tiếp cận đối tượng. Kẻ ngáo đá này tự xưng là siêu nhân, hành vi thì như một người tâm thần nặng, liên tục chửi bới, phun nước miếng và đạp đá chúng tôi. Để đảm bảo tính mạng của đối tượng, sau khi hội ý, tôi chỉ đạo anh em không áp sát, chỉ nói hùa theo ý của đối tượng để thu hút sự chú ý. Sau đó, tôi trèo lên cao hơn và từ phía sau lưng, tôi đu ngược người xuống. Khi vừa đúng tầm, tôi phóng đến ôm chặt đối tượng. Các đồng đội của tôi đã hỗ trợ kịp thời, đưa đối tượng tiếp đất an toàn”.
Dễ phát hiện nhưng khó cai nghiện
Giải thích về sự liều lĩnh, nguy hiểm của người ngáo đá, ông Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, cho biết: “Ma túy đá, thuốc lắc đang là loại ma túy thông dụng, có tên chung là Amphetamine - Type Stimulants (ATS), một số loại còn có tên gọi khác là Estasy, XTC, E… Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ATS đã có ở nhiều tỉnh, thành phố với các tên lóng như viên nữ hoàng, ngọc điên, yaba… Các loại thuốc này đều gây ảo giác, hoang tưởng bị truy hại, bị kiểm tra, rối loạn hành vi… Nặng nề nhất là bị trầm cảm. Người sử dụng dài ngày ma túy liều cao thì trầm cảm rất nặng, có ý tưởng và hành vi tự sát. ATS còn tạo ảo giác kích thích tình dục. Do vậy, nhiều thanh niên đã thử chơi, rồi nghiện. Đây là chất gây nghiện cực kỳ nguy hiểm, vì ảnh hưởng trực tiếp đến căn bệnh thế kỷ và cả nòi giống sau này”.
Ông Khánh Duy cho biết thêm, việc phát hiện người thân nghiện ATS không khó. Bởingười đã sử dụng ATS thì sẽ có các biểu hiện như: bồn chồn, loạn khí sắc, mất ngủ, cáu kỉnh, hoảng sợ, lú lẫn, trở nên thù địch với mọi người và có các triệu chứng rối loạn lo âu, ảo giác… Tuy nhiên, việc cai nghiện không hề dễ dàng, nếu người cai nghiện không có ý chí và sự hỗ trợ của gia đình, người thân, xã hội. Không một liệu pháp cai nghiện đơn thuần nào (uống thuốc, châm cứu, bấm huyệt, phẫu thuật thùy trán…) có thể chữa được bệnh nghiện ATS, mà phải điều trị toàn diện, thông qua sinh hoạt, lao động, giáo dục trị liệu, tư vấn, kết hợp với hóa dược. Y văn thế giới đã chỉ rõ: Không có mô hình cai nghiện chung nào thích hợp với từng người, mà chỉ có những nguyên tắc cơ bản về điều trị, giáo dục, quản lý. Mô hình điều trị tốt cho người này chưa hẳn phù hợp với người khác, mà thậm chí kết quả còn ngược lại.