Giá thành cao, quá nhiều đầu sách
Con trai tôi năm nay vào lớp 1. Sau khi trường niêm yết tên bộ SGK và giá thành, phụ huynh có thể lựa chọn giữa hai hình thức là ra ngoài tự mua cho con hoặc đăng ký mua chung theo đơn vị lớp. Qua tìm hiểu, chúng tôi đã có sự so sánh và nhận thấy đây là bộ sách có giá cao nhất trong 5 bộ SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Ngoài ra, mỗi học sinh lớp tiếng Anh tăng cường phải đăng ký mua thêm giáo trình tiếng Anh “Family and friends” và bộ sách bổ trợ (còn gọi là sách bài tập). Như vậy tổng số tiền phụ huynh bỏ ra để trang bị SGK và các đầu sách bắt buộc phục vụ cho việc học của con là gần 500.000 đồng.
Chưa kể, mỗi học sinh còn được phát thêm một danh sách 18 đầu sách tham khảo (không bắt buộc) như “Luyện viết đúng, viết đẹp lớp 1”, “Thực tiếng Việt 1”, “Bài tập cơ bản và nâng cao Toán 1”, “Thực hành Tự nhiên và Xã hội”... và vở in bìa trường. Nếu trang bị đầy đủ tất cả SGK, sách tham khảo, vở và đồ dùng học tập cho con, tôi nhẩm tính phải gần 1 triệu đồng. Số tiền này không nhỏ đối với thu nhập của một gia đình lao động.
Đây là năm học đầu tiên cả nước triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều thay đổi: nhà nước không trợ giá SGK (các năm trước nhờ được ngân sách trợ giá nên SGK đến tay học sinh có giá chưa đến 60.000 đồng/bộ), mỗi trường tiểu học lựa chọn một bộ SGK khác nhau. Chính vì vậy nên phụ huynh không có cách nào khác ngoài việc “bấm bụng” chi tiền mua sách, vở cho con.
Trong tình hình mới, tôi thấy các trường đã rất chủ động trong việc giải thích cho phụ huynh hiểu lý do vì sao giá SGK thay đổi, hướng dẫn phụ huynh địa chỉ cũng như cách mua SGK. Ở một số lớp, ban đại diện phụ huynh còn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình nhằm chia sẻ khó khăn với những bạn không đủ điều kiện mua SGK và đồ dùng học tập. Tôi thấy điều này là cần thiết và cần được nhân rộng để không một học sinh nào phải đến trường mà không có SGK.
THANH THU, Phụ huynh ở quận 3, TPHCM
Cần cơ chế quản lý đặc biệt thị trường sách giáo khoa
Việc cải tiến, nâng chất lượng SGK theo hướng thiết kế đẹp hơn, nội dung phong phú hơn, chất lượng giấy tốt hơn là cần thiết. Trong xu hướng đó, giá bán SGK phải tăng. Song, vấn đề là có mức tăng hợp lý, không tạo thêm gánh nặng cho các gia đình thu nhập thấp vốn đã có quá nhiều nỗi lo toan trong năm học mới. Vì sự nghiệp giáo dục, việc biên soạn, xuất bản và bán SGK không nên chạy theo mục tiêu lợi nhuận, chống tình trạng tiêu cực, đặc quyền đặc lợi trong xuất bản SGK. Thực tế SGK được in với số lượng lớn, dễ dàng giảm chi phí phát hành. Do vậy, cần xem xét mức tăng giá SGK năm học này có hợp lý không, tại sao tăng cao như vậy?
SGK không phải là mặt hàng muốn bán giá nào cũng được. Xã hội hóa thị trường SGK là chủ trương đúng và tất yếu. Tuy nhiên, vì đây là thị trường đặc biệt, cần có cơ chế quản lý đặc biệt. Muốn tăng giá SGK cần phải có đánh giá tác động đến đời sống kinh tế xã hội và cần có lộ trình cụ thể.
Ngành giáo dục và nhà trường nên có hướng dẫn, cung cấp thông tin cho phụ huynh SGK nào cần mua, không nhất thiết phải mua tất cả sách bổ trợ. Thực thi Luật Giáo dục mới, chắc chắn từng địa phương sẽ có sự thay đổi về việc lựa chọn SGK những năm tiếp theo, dẫn đến việc những bộ SGK năm học trước sẽ bị bỏ đi, dùng bộ sách khác. Để bảo đảm tính minh bạch trong việc chọn SGK để tránh tạo ra tiêu cực, tránh lãng phí cho xã hội và giảm gánh nặng SGK cho phụ huynh, thiết nghĩ việc lựa chọn SGK cho chương trình học không nên tùy tiện thay đổi mỗi năm.
NGUYỄN MINH THANH, Quận 5, TPHCM
Quan tâm hơn với trẻ khó khăn, vùng sâu vùng xa
Năm đầu đời của bé, các bậc cha mẹ đều cố gắng hết sức để trang bị cho con em mình đầy đủ nhất có thể. Thế nhưng, với giá thành cao gần gấp 3 lần so với các năm trước, khá nhiều gia đình phải chật vật với chi phí nhập học đầu năm cho con, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Ngay cả các thành phố lớn, khó khăn cũng đang chồng khó khăn với các gia đình lao động bị mất việc làm, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Theo lộ trình phát hành của các nhà xuất bản, năm sau giá SGK sẽ tăng thêm khoảng 20%, đồng nghĩa gánh nặng sẽ tăng thêm cho phụ huynh. Giá sách là vậy, việc tìm mua sách cũng không dễ dàng. Đến một nhà sách trên đường Trần Quang Long (phường 19, quận Bình Thạnh), chỉ có thể tìm được bộ sách Cánh diều, 4 bộ sách còn lại không hiện diện trên kệ bán.
Với góc nhìn của tôi, xã hội hóa SGK là cần thiết, song song đó nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, triển khai mạnh mẽ các tủ sách dùng chung ở thư viện để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh. Đây cũng là thời điểm phát huy tinh thần tương thân tương ái. Các nhà hảo tâm thể hiện sự quan tâm đến con em các hộ nghèo, gia đình khó khăn một cách thiết thực nhất, vừa hỗ trợ, vừa mang tính khuyến học.
Tiến tới, các trường tiểu học trong cùng một tỉnh, thành phố cần thống nhất chọn cùng một bộ sách giáo khoa mới. Việc này sẽ tạo điều kiện tái sử dụng sách, giúp học sinh khó khăn, các năm tiếp theo có thể tiếp cận nguồn sách cũ, giá rẻ. Thầy, cô, phụ huynh cần giáo dục con, em mình giữ gìn sạch sẽ SGK. Đây là việc làm rất ý nghĩa, góp phần hình thành nhân cách, kỹ năng sống cho các em.
HOÀNG PHƯƠNG, Quận 3, TPHCM