Trong bối cảnh học phí của các khóa đào tạo kỹ năng sống không phù hợp với “túi tiền” của hầu hết gia đình, một số trường mầm non công lập không tổ chức nhận giữ trẻ, gửi con ở các nhóm trẻ tư nhân thì nơm nớp lo sợ về chất lượng, vậy đâu là lựa chọn an toàn cho trẻ?
Lên phương án tiếp nhận trẻ
Thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM đã hoàn tất kế hoạch tổ chức sinh hoạt hè, gửi về phòng GD-ĐT ở 24 quận, huyện phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết tính đến chiều 16-5, chỉ duy nhất Trường Mầm non Anh Đào (phường 7) đăng ký không tổ chức giữ trẻ trong dịp hè do sửa chữa cơ sở vật chất chuẩn bị năm học mới.
“Trung bình mỗi năm, địa phương có 1 - 2 đơn vị không tổ chức giữ trẻ trong hè do sửa chữa trường lớp. Ở những đơn vị có tổ chức học hè, số lớp thường ít hơn trong năm học, vì không phải gia đình nào cũng có nhu cầu gửi con”, bà Nguyệt cho hay.
Tại quận Tân Bình, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết năm nay quận có 2 trường là Mầm non Tuổi Hồng và Mầm non 8 (phường 8) không tổ chức giữ trẻ trong dịp hè do cơ sở đang được cải tạo, xây mới. Phụ huynh có nhu cầu gửi con có thể đăng ký với nhà trường để ban giám hiệu lên kế hoạch liên kết mở lớp giữ trẻ trong hè với Trường Mầm non 7 (phường 7).
Trẻ cần được kết hợp học tập và vui chơi an toàn trong dịp hè
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, các trường mầm non chỉ bắt đầu tổ chức giữ trẻ từ ngày 18-6, tức 2 tuần sau khi kết thúc năm học 2017-2018. Thời gian học hè kéo dài đến hết ngày 17-8, sớm hơn 2 tuần so với ngày khai giảng 5-9.
Như vậy, gộp chung cả 2 đợt nghỉ trước và sau hè, trường học sẽ có 1 tháng “đóng cửa” để chuẩn bị cơ sở vật chất và bồi dưỡng nhân sự cho năm học mới.
Đối với bậc tiểu học, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), thông tin năm nay trường tiếp tục mở các lớp học hè theo hình thức câu lạc bộ kỹ năng sống, học sinh trong hoặc ngoài trường đều có thể đăng ký theo học.
Dự kiến thời gian mở lớp bắt đầu từ ngày 18-6 đến hết 27-7. Tương tự, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 cho biết, theo quy định biên chế năm học của Bộ GD-ĐT, hè là thời gian giáo viên được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Do đó, “chúng tôi cho giáo viên đăng ký dạy hè trên tinh thần tự nguyện, không gây áp lực, tạo không khí dạy và học thoải mái cho cả học sinh lẫn giáo viên. Theo kế hoạch, các lớp học hè sẽ diễn ra từ đầu tháng 7”, vị hiệu trưởng này bày tỏ.
Tìm hiểu kỹ chương trình học
Hè đến cũng là mùa nở rộ của các khóa đào tạo kỹ năng sống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, học phí năm nay tại nhiều trung tâm tăng nhẹ so với mọi năm.
Chị Thảo Trần, phụ huynh có con đang học lớp mẫu giáo ở Gò Vấp, cho biết: “Sau khi tìm hiểu chương trình và học phí khóa hè dành cho trẻ từ 6 - 11 tuổi của nhiều trung tâm Anh ngữ và đào tạo kỹ năng sống, tôi thấy tên các môn học đều na ná nhau như học về kỹ năng cảm xúc xã hội, kỹ năng tập trung và làm chủ suy nghĩ, khám phá khoa học và nghệ thuật, vui diễn kịch tiếng Anh… Trung tâm nào cũng cam kết giáo viên có chất lượng nhưng học phí chênh nhau đến cả chục triệu đồng, khiến phụ huynh hoang mang”.
Tương tự, anh Thế Minh, phụ huynh có con đang học lớp 3 tại quận Thủ Đức, cho biết con anh muốn học thêm môn Toán. Qua tìm hiểu, anh được người quen giới thiệu khóa học 10 tuần tại một trung tâm toán tư duy có trụ sở ở phường Hiệp Bình Chánh.
“Tuy nhiên, ngoài môn Toán, lịch học còn có các môn tiếng Anh, luyện chữ, học vần, kỹ năng sống, vẽ và erobic. Phải chăng đang có sự mập mờ giữa tên trung tâm và các hoạt động tổ chức giảng dạy”, anh Minh hoài nghi.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, việc cấp phép hoạt động cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học và đào tạo kỹ năng sống thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện. Có địa phương quản lý nghiêm ngặt, nhưng cũng có nơi do hạn chế về nhân sự nên buông lỏng công tác quản lý.
Mặt khác, do chưa có chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục chung cho loại hình đào tạo này nên vẫn còn trường hợp cơ sở cạnh tranh không lành mạnh, tuyển giáo viên không có đủ bằng cấp, trình độ theo yêu cầu, hoặc chưa được cấp phép tổ chức bán trú nhưng vẫn mở lớp nhận học sinh cả ngày. Khi có sự cố xảy ra liên quan đến các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn trong sinh hoạt, vui chơi, thì người phải “lãnh đủ” là học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM khuyến nghị, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ chương trình học, điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên trước khi quyết định gửi con theo học. Đặc biệt, đối với các khóa học bán trú, cần quan tâm chất lượng phòng ốc, bữa ăn bán trú là suất ăn công nghiệp hay bếp ăn tự nấu tại trường, việc phân bổ giáo viên bảo mẫu giữa các giờ chuyển tiết… Khi phát hiện có bất thường về công tác tổ chức, phụ huynh báo ngay cho cơ quan chức năng, đồng thời ngưng gửi con, tránh vì tiếc học phí đã đóng mà khiến con chịu thiệt thòi.