Trước đó, nhóm Dreamer của vùng Arlington (Texas) cũng ra mắt khán giả chương trình nghệ thuật chất lượng cao với chủ đề “Tình yêu lung linh”. Tuy thỏa mãn về mặt nghệ thuật, nhưng để chương trình có được chỗ đứng lại là một câu chuyện khác.
Ca sĩ - nhạc sĩ Tuấn Hùng, một nghệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trong nước và Mỹ, người từng tham gia biểu diễn phục vụ Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton khi ông sang thăm và làm việc tại Việt Nam, luôn canh cánh tạo dựng và mở rộng một sân chơi nghệ thuật chất lượng để vừa thỏa mãn đam mê, vừa phục vụ đồng hương tại xứ cờ hoa, và cũng tạo một sân chơi để hướng các bạn trẻ gốc Việt tiếp nối phát huy những tinh hoa của âm nhạc Việt.
Thực tế thì tại Mỹ nói riêng và hải ngoại nói chung, đa phần các chương trình của các địa phương khắp nước Mỹ đều khó đạt được chất lượng cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các chương trình kém hấp dẫn, đầu tiên phải kể đến chi phí khá đắt đỏ cho việc gầy dựng một sân khấu đúng chất. Kế nữa là do cuộc sống xoay vần mưu sinh vất vả nên số đông các ca sĩ phải làm công việc khác hàng ngày để kiếm kế sinh nhai, thời gian rảnh mới dành cho đam mê nghệ thuật. Đã có nhiều nghệ sĩ phải bỏ hẳn nghề, hoặc có theo đuổi thì cũng chỉ mang tính chất đóng góp theo kiểu nghiệp dư. Rồi việc hiếm có các trung tâm đào tạo sơ cấp đến cao cấp về âm nhạc (bao gồm thanh nhạc, nhạc cụ, biểu diễn…) tại nơi đây - nên dần dà phong trào cũng không đi lên được, đó là chưa nói đến sự lụi tàn khi các con trẻ sinh ra tại Mỹ không còn mặn mà với âm nhạc Việt như thế hệ cha mẹ và ông bà.
Bởi chính các lý do tạm kể như trên, ngay từ bây giờ, những nghệ sĩ tâm huyết và đau đáu trăn trở về một nền ca nhạc Việt chất lượng tại Mỹ phải nhanh chóng tìm tòi hướng đi mới, để phục vụ trực diện cho khán thính giả đồng hương tại nhiều tiểu bang của Mỹ. Nhưng để thay đổi diện mạo và thói quen của người Việt tại đây, thì đó vẫn là con đường trải đầy gian khó.
Thực tế là nhiều bầu show chỉ đầu tư phần “ngọn” bằng các chương trình “mì ăn liền” - nghĩa là chỉ tìm cách thu lợi nhuận tức thời mà ít khi nghĩ đến con đường lâu dài. Nhưng nói như vậy cũng chưa thật công bằng, vẫn còn nhiều trung tâm âm nhạc tự phát, những nhóm nhạc vẫn âm thầm tìm tòi con đường riêng của mình, để góp nhặt cho một sự tồn vong của âm nhạc Việt tại hải ngoại, ví dụ như MC - ca sĩ trẻ Thạch Đặng (TP Arlington)…
Với ca sĩ - nhạc sĩ Tuấn Hùng, chơi nhạc thì phải chơi một cách đúng điệu và bài bản. “Mùa Xuân” là tên gọi của câu lạc bộ âm nhạc của vị nhạc sĩ tên tuổi này, như một cách nói về mục tiêu của anh: muốn tươi xuân cho âm nhạc Việt tại xứ cờ hoa, dù biết rằng “một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân”. Hay như nhạc sĩ Quang Ngọc, bố của ca sĩ Quang Thiện ở vùng Arlington, nhiều tháng qua cũng tập hợp các anh em văn nghệ sĩ đủ mọi lứa tuổi, cùng duy trì dòng nhạc thính phòng chất lượng và có chiều sâu từng sống cùng năm tháng với nhiều thế hệ người Việt…
Người ta vẫn nói người nghệ sĩ như kiếp tằm nhả tơ, muốn mang lại cho cuộc đời những điều đẹp đẽ nhất. Các nhân vật mà bài báo này đề cập ở trên cũng là một trong số những nghệ sĩ tâm huyết tại Mỹ - vẫn ngày ngày miệt mài, đam mê, trăn trở với cùng mục đích cao cả là giữ gìn sự đẹp đẽ và sâu thẵm của âm nhạc Việt - để nó không mất đi, mà ngược lại, được truyền thụ toàn diện cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ.