Sáng 14-6, Bệnh viện FV thông tin vừa điều trị thành công cho bệnh nhân Lei Ting (45 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị phình động mạch não.
Theo lời kể của bệnh nhân, suốt 2 năm qua, ông thường xuyên bị đau phía nửa sau đầu. Ông đi khám ở nhiều bệnh viện tại TPHCM và được kê toa thuốc giảm đau liều cao kết hợp nghỉ ngơi nhưng vẫn không dứt hẳn.
Đến trưa ngày 11-6, ông bị một cơn đau đầu dữ dội và được người nhà đưa đến nhập viện tại FV. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng, huyết áp tăng nhanh, kết quả kiểm tra cho thấy vị trí phình tại động mạch chủ ở não. Sau khi cân nhắc lựa chọn, các bác sĩ Bệnh viện FV quyết định thực hiện can thiệp nội mạch để điều trị chứng phình động mạch não cho bệnh nhân.
PGS. TS.BS. Mahendran Nadarajah, chuyên gia can thiệp thần kinh, Bệnh viện FV cho biết, thời điểm ông Lei Ting được đưa vào phòng Can thiệp Nội mạch, túi phình mạch não đo được đường kính 11.5mm, dài 15mm. Sau hơn 3 giờ thực hiện, ca can thiệp đã thành công. 8 giờ sau đó, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, đi lại bình thường.
Theo các bác sĩ, bệnh phình động mạch não có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, riêng nguy cơ vỡ phình mạch thường gặp nhất ở người già từ 55 – 65 tuổi trở lên, tuy nhiên có khoảng 20% ca phình mạch não xảy ra ở độ tuổi từ 15 – 45. Ngoài yếu tố tuổi tác, những người có các yếu tố nguy cơ sau cũng dễ mắc bệnh: Thường xuyên hút thuốc lá, cao huyết áp, uống nhiều rượu, bia, lạm dụng thuốc, phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có mức estrogen thấp, tiền sử gia đình bị phình mạch não, người bị chấn thương, tổn thương mạch máu.
Nếu mạch não mới chỉ phình to gây chèn ép cấu trúc dây thần kinh, người bệnh sẽ có dấu hiệu yếu/liệt chi, mắt nhìn mờ, đau đầu bất chợt… Khi túi phình bị vỡ gây xuất huyết khoang nội sọ, người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột đau đầu dữ dội, cổ cứng, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong.