Sáng 26-4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể với nội dung thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Thừa ủy quyền trình bày Tờ trình dự án luật của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh, một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý về chào bán chứng khoán, nâng điều kiện công ty đại chúng; các quy định về thị trường giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán...
Mặc dù vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, vấn đề “đau đầu nhất”, khiến cho Thường trực Ủy ban này rất băn khoăn, thì lại chưa được thể hiện rõ, đó chính là địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy được trao thêm một số thẩm quyền, song theo dự thảo Luật, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn là cơ quan thuộc Bộ Tài chính.
“Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu để có mô hình độc lập hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường vốn, tăng cường sự minh bạch, thu hút nhiều hơn nguồn vốn của các nhà đầu tư. Theo mô hình hiện tại thì nhiều vấn đề phải xin ý kiến Bộ Tài chính, xin ý kiến Chính phủ; như vậy có đáp ứng được yêu cầu xử lý những tình huống phát sinh trên thị trường chứng khoán - vốn diễn biến rất nhanh - hay không?”, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế nêu vấn đề.
Theo chuyên gia Lê Văn Châu, người được coi là “đặt viên gạch đầu tiên cho thị trường chứng khoán Việt Nam”, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần độc lập và phải được trao đầy đủ quyền để thực thi nhiệm vụ hiệu quả nhất. Có quan điểm tương đồng, chuyên gia Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhắc lại, thời điểm quyết định chuyển Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ Chính phủ về trực thuộc Bộ Tài chính, lý lẽ để thuyết phục là đưa Ủy ban về Bộ để tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. “Bây giờ lý do đó còn hợp lý không?”, ông Phúc phát biểu.
Cho rằng không nên hiểu một cách máy móc về chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, ông Nguyễn Văn Phúc thông tin thêm: "Ở nhiều nước Ủy ban Chứng khoán là một thiết chế độc lập hoạt động theo luật, thậm chí không trực thuộc Chính phủ”.
Nhiều ý kiến khác tại phiên họp cũng ủng hộ việc sửa luật lần này cần cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có vị thế độc lập hơn về nhân sự, tài chính và được ban hành văn bản pháp quy.
“Nếu thực tiễn cần, thì việc để Ủy ban độc lập cũng không ngại vướng quy định về tinh gọn bộ máy”, ĐB Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Ninh Bình) nhận xét.