Đau đáu ngày trả lại tên cho liệt sĩ

Ngày 26-7, tại Trung tâm Y tế Vạn Hạnh (quận 3, TPHCM), Công an TPHCM phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an và Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức thu nhận mẫu gene (ADN) cho 42 thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Thắp hy vọng cho gia đình liệt sĩ

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng ông Nguyễn Văn Tráo (67 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) luôn đau đáu nỗi đau chưa tìm được hài cốt anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Kích. Theo giấy báo tử, liệt sĩ Nguyễn Văn Kích hy sinh năm 1968 ở tỉnh Đồng Nai nhưng gia đình không có thêm manh mối và điều kiện để tìm kiếm. Người mẹ già trước khi qua đời vẫn chưa nguôi trăn trở tìm con.

“Gia đình tôi có truyền thống cách mạng, mẹ làm giao liên, anh Kích đi bộ đội và hy sinh ở chiến trường, tôi tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam. Bao nhiêu năm qua, tôi không biết anh ở đâu, chỉ lập bàn thờ vọng bái, lấy ngày giỗ theo giấy báo tử. Khi biết tin thành phố thu thập mẫu gene để giúp xác định danh tính liệt sĩ, tôi xúc động lắm, mong sẽ tìm được và đưa anh về với gia đình”, ông Tráo tâm sự.

!5A.jpg
Tặng quà thân nhân liệt sĩ trên địa bàn TPHCM tại buổi lễ thu nhận mẫu gene

Những năm qua, bà Lý Thị Sáu (huyện Bình Chánh) bỏ công sức đi nhiều nơi, nhờ nhiều người tìm kiếm chị gái là liệt sĩ Lý Thị Thanh Dũng. Bà Sáu nhớ lại, năm xưa, chị gái trốn mẹ đi bộ đội, ngày giải phóng cũng không trở về. Mẹ tìm tung tích con gái khắp nơi cho đến khi nhận được giấy báo tử: liệt sĩ Lý Thị Thanh Dũng hy sinh năm 1966 ở tỉnh Lâm Đồng. Tiếp tục hành trình của mẹ, bà Lý Thị Sáu nhiều năm tìm hài cốt chị gái nhưng không thành, phải sống với nỗi day dứt.

“Tôi đăng ký ngay khi biết thành phố thực hiện chương trình nhân văn này. Dù biết không dễ dàng để xác định danh tính các liệt sĩ, nhưng chúng tôi rất mừng vì được thắp lên hy vọng. Mong một ngày gần nhất, tôi sẽ đưa được chị về như mẹ từng mong mỏi”, bà Sáu nói.

Mòn mỏi tìm kiếm và chờ đợi, bà Trần Như Cường (70 tuổi, huyện Bình Chánh) vẫn chưa tìm được hài cốt của mẹ và 2 anh trai hy sinh ở tỉnh Đồng Nai. Trong hàng chục năm tìm kiếm, gia đình bà Cường mới đưa được hài cốt của người cha về quy tập tại Nghĩa trang Thành phố. “Hành trình tìm hài cốt cha, mẹ và các anh gian truân lắm nhưng chưa bao giờ chúng tôi ngừng hy vọng”, bà Cường xúc động chia sẻ.

Nghĩa cử thiêng liêng

Việc thu nhận mẫu gene cho 42 thân nhân liệt sĩ phục vụ giám định, lưu trữ trong Ngân hàng gene liệt sĩ và thân nhân, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM, cho biết, Ngân hàng gene liệt sĩ và thân nhân đã ra mắt vào ngày 23-7. Tại TPHCM, việc thực hiện lấy mẫu gene thân nhân các liệt sĩ chưa xác định thông tin bắt đầu từ ngày 26-7, mang ý nghĩa thiêng liêng và nhân văn sâu sắc, được thực hiện gấp rút, chạy đua thời gian với mục đích cao nhất là sớm trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ.

“Đây là hoạt động nhân văn nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2024), đồng thời góp phần đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn TPHCM”, Thượng tá Hồ Thị Lãnh bày tỏ.

Việc xây dựng Ngân hàng gene liệt sĩ và thân nhân mở ra hy vọng trong tương lai không xa, tất cả liệt sĩ sẽ được quy tập và xác định được danh tính. Mới đây, ngày 23-7, bà Phạm Thị Vinh (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã nhận được kết quả giám định gene là em gái của liệt sĩ Phạm Văn Thước (sinh năm 1952, quê quán Yên Thành, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) trùng khớp với thân nhân từ Ngân hàng gene. Liệt sĩ Phạm Văn Thước hy sinh ngày 19-8-1975 tại chiến trường miền Nam, hiện được quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM.

Trên cả nước hiện còn khoảng 180.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính. Thời gian qua, triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, các cơ quan chức năng liên quan đã thực hiện phương pháp giám định gene trên gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho gia đình.

Tin cùng chuyên mục