1. “Có hôm, con ngoan lắm, đến giờ cô giáo gọi là các con bắt đầu học, cô kiểm tra kỹ năng là thực hành ngay, nhưng có hôm con cứ khóc suốt vậy đó. Thương lắm! Các bé bị đa khuyết tật, cơ thể không lành lặn và tâm lý cũng khác so với trẻ bình thường”, cô Đinh Lan Phương (giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, quận 10) kể.
Với sự tiến bộ của y học hiện đại, những đứa trẻ không may mắn về cơ thể, trí não vẫn có thể ra đời và được nuôi lớn. Nhưng phần nhiều các em không thể tự chăm sóc cho mình, mọi sinh hoạt cơ bản đều phải có người kề cận… Lớp của cô Phương chỉ có 9 học sinh và các em đều là trẻ bị đa khuyết tật.
Một đứa trẻ biết đọc, biết viết là cả một quá trình uốn nắn, nhưng với trẻ đa khuyết tật, điều này rất khó, có trường hợp gần như không thể. Mỗi học sinh của cô Phương đều có phụ huynh theo sát và song hành trong quá trình các con học tập. Con biết rửa tay, rửa mặt… là một quá trình cô - trò - phụ huynh cùng nỗ lực.
Năm thứ 10 dạy lớp trẻ em đa khuyết tật ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, nhưng với cô Phương mọi thứ đều mới, bởi trẻ em đa khuyết tật không em nào giống em nào, giáo viên phải tìm cách thích hợp với từng em để dạy, và gần như mỗi em là một giáo án khác nhau.
“Những ngày đầu, khi được phân công dạy lớp trẻ đa khuyết tật, nhiều hôm dạy xong tôi cứ khóc. Không phải vì cực hơn dạy lớp trẻ chỉ bị khiếm thị hoặc khiếm thính, chỉ là nhìn các con thương quá. Tôi thường tìm hiểu những tài liệu giáo dục dành cho trẻ khuyết tật từ trong và ngoài nước, để hỗ trợ thêm cho việc dạy. Tôi cũng ước ao, giá mà các con được học trong những môi trường giáo dục dành cho trẻ khuyết tật chuyên sâu, hay các con gặp được những thầy cô giỏi hơn mình, các con sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, có nhiều cơ hội để phát triển hơn… Cứ vậy mà tôi rơi nước mắt, rồi mỗi ngày lên lớp tự dặn mình phải cùng các con cố gắng thật nhiều hơn nữa”, cô Phương tâm sự.
2. Làm giáo viên là mong ước từ thuở nhỏ của cô giáo Đinh Lan Phương. Năm 10 tuổi, Phương phát bệnh và trải qua quá trình điều trị bệnh tật, di chứng để lại khiến Phương thành người khuyết tật. Việc đi lại không như người bình thường, nên mong ước dạy cho các em khuyết tật càng được cô gái trẻ cố gắng thực hiện nhiều hơn. Vì thế, Phương thi vào Khoa Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
“Quá trình điều trị bệnh của tôi rất dài, trong thời gian đó, ngoài gia đình, tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ người thân, bạn bè và mọi người xung quanh. Chứng kiến ba mẹ lo cho mình những ngày bệnh tật, nên tôi rất hiểu những lo lắng của các phụ huynh có con không may bị khuyết tật. Khi vào đại học, tôi chọn vào khoa Giáo dục đặc biệt, khóa tôi học là khóa thứ 3 mà trường đào tạo và là khóa đầu tiên đào tạo giáo viên dạy trẻ khiếm thị”, cô Phương kể:
Mỗi bài học, các con mất rất nhiều thời gian và nỗ lực để tập đi tập lại, có phụ huynh vì xót con, cứ thế làm thay, cũng có người vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà không có nhiều thời gian để đồng hành với con thực hành những bài học…
“Như chuyện sắp chén ăn cơm, nhà có 5 người thì sắp 5 cái chén, ba mẹ làm là xong liền, nhưng các con là trẻ khuyết tật mà, phải tập đi tập lại nhiều lần mới quen. Có phụ huynh thấy vậy thì nói, thôi để ba mẹ làm luôn cho lẹ. Những lúc đó, tôi khuyên phụ huynh rất nhiều. Vì ba mẹ đâu thể nào ở bên cạnh các con mãi, chịu khó dành thời gian để tập cùng các con, để các con có thể tự chăm sóc chuyện sinh hoạt cá nhân mà không phải phụ thuộc vào ai hết”, cô Phương chia sẻ.
Nghề gõ đầu trẻ cũng có những niềm vui nghề nghiệp, như trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, để tri ân những “người lái đò”, để thầy - trò trao nhau một cái ôm, một lời chúc mừng dành cho những người miệt mài công việc “trồng người”, tưởng dễ mà không dễ. Học trò của cô Phương “đặc biệt” và trong tình hình dịch bệnh, cô trò chỉ có thể trò chuyện online.
Niềm vui của cô giáo trẻ không phải là lẵng hoa hay lời chúc mừng, mà chính là việc các con học online không bị quên kỹ năng. Hay có nhóm phụ huynh ở Nha Trang, có con bị khiếm thị được cô Phương hỗ trợ từ xa. Mọi người báo qua điện thoại hôm nay các con đã học được gì, biết được chữ gì, cần cô Phương hỗ trợ thêm gì…, vậy là đủ vui cho ngày “Tết thầy cô”.
Là một người khuyết tật nên tình thương mà cô Phương dành cho học trò của mình còn là sự thấu hiểu và sẻ chia. Khi nhà trường, đồng nghiệp tin tưởng để cô giáo trẻ phụ trách lớp đa khuyết tật, với cô Phương, chính các con mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mình nhiều hơn.
“Tôi từng nghĩ, chọn công việc này mình sẽ góp phần nào đó mang lại niềm vui, lan tỏa nghị lực cho các con. Nhưng dạy học hơn 10 năm rồi, tôi hiểu chính các con và công việc này mang lại nhiều niềm hạnh phúc cho tôi. Mọi người tin tưởng giao mình phụ trách lớp trẻ đa khuyết tật, tin tưởng cô Phương sẽ làm được và công việc dạy cho các con cũng mang lại cho tôi nguồn thu nhập, để thấy rằng dù là một người khuyết tật nhưng mình vẫn có việc làm, nuôi sống được bản thân. Tôi thấy mình nhận được nhiều hơn cái mình cho đi”, cô Phương bày tỏ.
Cuộc đời này không có sự hoàn hảo, ở lớp học của cô Phương, mỗi người đều là những mảnh ghép bổ sung cho nhau. Cô giáo Phương chọn mình là mảnh ghép đồng hành cùng những đứa trẻ không may mắn, không mạnh lành về cơ thể… Nhưng suốt hơn 10 năm qua, họ đã là những phần ghép thật hoàn hảo cho nhau, thấu hiểu, yêu thương và là động lực để cùng nhau bước tiếp.
Ngày 17-11 vừa qua, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục TPHCM tổ chức chương trình giao lưu họp mặt với chủ đề “Những đóa hồng thầm lặng” kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2021). Cô giáo Đinh Lan Phương là một trong 73 nữ giáo viên được vinh danh tại buổi lễ. |