
Nhân viên điều tra Liên bang Mỹ ngày 4-6 đã bất ngờ khám xét hơn 10 căn nhà và doanh nghiệp tại California, bắt 10 người (có một cựu sĩ quan Mỹ) vì âm mưu lật đổ Chính phủ Lào. Trong số bị bắt, nổi cộm là Vang Pao, sống lưu vong tại Mỹ nhiều năm và từng thực hiện nhiều chiến dịch phá hoại an ninh Lào...
Từng gây nhiều bất ổn
Kế hoạch lật đổ Chính phủ Lào của Vang Pao bị FBI điều tra suốt 6 tháng, khi nhóm khủng bố này chi gần 10 triệu USD mua súng máy, thuốc nổ, tên lửa đất đối không, hỏa tiễn vác vai và nhiều thiết bị quân sự khác nhằm mở chiến dịch quy mô tấn công Vientiane.

Vang Pao

Harrison Ulrich Jack
Vang Pao, 77 tuổi, bị bắt tại thị trấn Westminster, Nam California. Một nhân viên chìm thuộc Cơ quan quản lý thuốc nổ-vũ khí-thuốc lá-rượu (ATF) đã bí mật ghi âm cuộc gặp hôm 7-2 giữa Vang Pao và cựu trung tá Cảnh vệ quốc gia Mỹ Harrison Ulrich Jack cùng vài người khác tại một nhà hàng Thái Lan đểù mua số vũ khí trị giá 9,8 triệu USD, dự kiến sẽ được chuyển đến một vị trí bí mật tại Thái Lan vào ngày 12 và 19-6 này. Trong số bị bắt ngày 4-6, có cả một cựu trợ lý của nguyên Thượng nghị sĩ Gary George, bang Wisconsin, người vừa mãn hạn tù 4 năm tội nhận hối lộ. Còn Harrison Ulrich Jack cũng là gương mặt cộm cán (tốt nghiệp Học viện quân sự West Point và từng tham chiến tại Việt Nam).
Vài năm gần đây, Vang Pao và các đối tượng Hmong lưu vong từng gây ra nhiều bất ổn tại Lào.
Sáng 20-4 vừa qua, chiếc xe buýt chở khoảng 65 người trên quốc lộ 13 giữa thị trấn nghỉ mát Luang Prabang và thủ đô Vientiane đã bị vãi đạn vào cả 2 hông xe, làm 12 người thiệt mạng và 30 người bị thương. Chính phủ Lào cho biết, cuộc khủng bố do thành phần thiểu số phản động Hmong thực hiện. Cũng trên quốc lộ này, vào tháng 2-2003, bọn khủng bố Hmong đã tiến hành cuộc tấn công tương tự, làm 10 người chết (trong đó có 2 du khách Thụy Sĩ).
Trước đó, năm 2000 và đầu năm 2001, ít nhất 9 vụ đánh bom khủng bố xảy ra tại Vientiane. Trong vụ tháng 2-2003, nhóm khủng bố gồm 30 tên đã chặn đường, nã M-16 cùng lựu đạn và còn bước qua các xác chết để tìm người bị thương hành quyết nốt. Hai du khách châu Âu cố chạy bằng xe đạp leo núi và một người bị bắn trúng lưng... Chiến dịch khủng bố nhằm phá vỡ ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế chủ lực ở đất nước ít tài nguyên như Lào.
Gương mặt đen Vang Pao
Nhắc đến người Hmong và cuộc chiến “giành độc lập” của họ, không thể không nói đến Vang Pao. Năm 1961, CIA đã bổ nhiệm trung tá Vang Pao làm thủ lĩnh nhóm phiến quân khoảng 9.000 tên. Hai năm sau, đích thân nội các John F. Kennedy chuẩn y kế hoạch thành lập đội quân bí mật 20.000 lính với 14 tiểu đoàn do Vang Pao làm “đại tướng” thống lĩnh. Theo tờ Vientiane Times, chuyên gia đảo chính Edward Landsdale là nhà tổ chức chương trình “chống cộng” tại Đông Nam Á, trong đó có Lào. Theo lệnh Landsdale, từ đầu thập niên 1960, viên chức CIA James William “Bill” Lair – làm việc tại Thái Lan – đã bí mật xây dựng lực lượng bán vũ trang huấn luyện người Hmong để đánh phá sang biên giới miền Bắc Việt Nam.
Vang Pao trở thành học trò của William “Bill” Lair, như từng là học trò của tình báo Pháp thập niên 1950. Chính sách Washington dành cho Lào thời điểm đó được tiến hành trên 2 mặt trận song song: CIA huấn luyện lực lượng quân sự Hmong, trong khi Cơ quan phát triển-viện trợ Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp và chăm sóc y tế. Phần quậy phá bằng quân sự do William “Bill” Lair triển khai và “phát triển-viện trợ” do Edgar Buell tiến hành.
Nhóm Vang Pao bị bắt đều bị buộc tội vi phạm luật Liên bang Mỹ (phá vỡ quan hệ ngoại giao với một quốc gia có quan hệ bình thường với Mỹ) và có thể bị xử tù chung thân. Mức độ nghiêm trọng ở chỗ nhóm khủng bố Vang Pao dự tính tuyển một đạo quân đánh thuê có cả cựu binh lực lượng đặc nhiệm Mỹ hoặc lính đặc nhiệm SEAL! |
Năm 1964, Vang Pao trở thành tổng tư lệnh “Quân đội Hoàng gia Lào”, quy tụ hàng ngàn chiến binh Hmong được CIA trả lương. CIA tại Đông Dương thập niên 1960 không chỉ dính vào các điệp vụ bẩn mà còn kiếm chác bằng buôn lậu ma túy khi kết hợp với vài cộng đồng thiểu số như Hmong của Vang Pao.
Sau Hiệp định Paris 1973, Vang Pao tiếp tục chống cộng 2 năm nữa đến khi lực lượng Pathet Lào thắng thế mới trốn sang Thái Lan rồi qua Mỹ. Như Nguyễn Hữu Chánh và Lê Chí Thục thuộc nhóm Việt kiều lưu vong phản động, Vang Pao cũng tung “cuộc chiến từ xa”, lập “Mặt trận giải phóng thống nhất Lào” (ULLF) năm 1989 tại “cứ điểm” California.
Việt Bình