Cuộc đại phẫu nhiều thử thách
Nhắc đến bác sĩ (BS) Trần Đông A, hẳn có nhiều người không quên được hình ảnh người đàn ông dáng nhỏ nhắn, giữ vị trí bác sĩ trưởng kíp phẫu thuật trong ca đại phẫu tách cặp song sinh dính nhau Việt - Đức cách đây 32 năm.
Thời điểm năm 1988, phẫu thuật tách rời trẻ song sinh dính nhau là một điều rất khó, bởi kinh tế trong nước còn đang bị cấm vận với nhiều khó khăn, trang thiết bị y tế không đầy đủ, việc thực hiện các chẩn đoán ban đầu qua hình ảnh gần như không thể thực hiện.
“Ở thời điểm đó, chúng ta thiếu thốn mọi mặt về thiết bị y tế, đến cả chỉ khâu dành riêng cho trẻ em cũng không có, thuốc kháng sinh yếu, còn thuốc sát trùng phổ rộng thiếu…”, BS Trần Đông A kể lại.
Rất nhiều cuộc họp và hội chẩn chuẩn bị cho ca đại phẫu, bởi trường hợp song sinh dính nhau của Việt - Đức rất phức tạp (dính nhau bụng - chậu và có 3 chân), ước tính trên thế giới chỉ có khoảng 6%. Trong y văn thế giới ở thời điểm đó, nếu tiến hành phẫu thuật, Việt - Đức là cặp song sinh lớn tuổi nhất (90 tháng) và trong đó, Việt bị bại não (chưa có tiền lệ trong y văn thế giới về song sinh dính nhau), dù đã được đưa sang Nhật điều trị nhưng không thành công.
BS Trần Đông A nhớ lại: “Chúng ta có thể dùng phương pháp điều trị cho trẻ em áp dụng vào người lớn, nhưng không thể làm điều ngược lại, vì trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Thời điểm đó, các y, BS được điều động cho cuộc đại phẫu rất giỏi nghề, nhưng họ quen với việc điều trị cho người lớn, chỉ có tôi là chuyên về nhi khoa. Nên tôi cố tình để mọi người tranh luận, phân tích mọi mặt rồi mới đưa ra phương án cuối cùng sao cho thuyết phục và tốt nhất cho Việt - Đức”.
Ngày 4-10-1988, ca đại phẫu tách cặp song sinh Việt - Đức được tiến hành tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM. Theo lời kể của BS Trần Đông A, lịch sử y khoa Việt Nam thời điểm đó chưa bao giờ có sự tập hợp đông các y, BS trong một ê kíp như vậy (70 y, BS).
Nhớ lại những giây phút cân não trong phòng phẫu thuật, BS Trần Đông A kể: “7 giờ bắt đầu gây mê Đức, lập tức cơ thể Việt phản ứng kinh giật, nhịp tim đập 200 lần/phút. Kíp gây mê và hồi sức làm việc liên tục suốt 1 giờ 30 phút, còn tôi lúc nào cũng sẵn sàng trang phục mổ, vì theo kế hoạch phụ, trong tình huống xấu nhất không thể cứu được 2 cháu thì tôi phải tiến hành phẫu thuật nhanh để cứu lấy Đức. Đến phần đục xương, tiếp tục có những xáo trộn nhịp tim mạch của 2 cháu, phải ngưng lại nhiều lần để kíp gây mê và hồi sức làm việc. Vì lúc phẫu thuật 2 cháu đã 90 tháng tuổi, có những phần tưởng là sụn nhưng đã thành xương và cứng”.
Đúng như dự kiến ban đầu của BS Trần Đông A, cuộc phẫu thuật hoàn thành trong 15 giờ. Và điều xúc động đó đã được Đài Truyền hình Nhật Bản ghi lại và phát đi trên toàn thế giới. “Còn gì cảm động hơn khi sau phẫu thuật 10 phút, Đức tỉnh lại và nhận ra chú Tư Trung (TS-BS Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế TPHCM thời điểm đó - PV) liền gọi: Ông ngoại ơi!”, BS Trần Đông A nhớ lại.
Ê kíp bước ra ngoài, thở ra nhẹ nhõm, những lẵng hoa chúc mừng đội ngũ y, BS được gửi đến, Đài Truyền hình Nhật Bản đưa tin trực tiếp và hình ảnh vị BS chính đứng lặng một góc, mặc nguyên bộ đồ mổ, chắp tay trước ngực cũng được ống kính quay phim ghi lại.
“Sau này, nhiều báo đài quốc tế hỏi tôi, lúc đó ông cầu nguyện gì, tôi chỉ cười. Thực ra lúc đó, tôi đứng riêng ra một góc và mặc nguyên bộ trang phục mổ, vì tôi có thể phải phụ các điều dưỡng băng vết mổ cho các cháu, vì vết mổ rất lớn. Đơn giản vậy thôi”, BS Trần Đông A kể.
Mấy tháng liền sau cuộc phẫu thuật, Bệnh viện Từ Dũ phải kê bàn phía trước để nhận quà của người dân khắp nơi gửi về. Ai có gì gửi nấy, nào là tặng cho 2 cháu, nào là tặng cho ê kíp phẫu thuật. Đài Truyền hình Trung ương Pháp FR2 nhận xét: “Ca mổ không thể thực hiện được mà lại thành công”. Thật vậy, bởi đây là ca mổ chưa từng có tiền lệ trong y văn thế giới, thực hiện thành công ở một đất nước còn nhiều khó khăn.
6 tháng sau cuộc đại phẫu, BS Trần Đông A tiếp tục chăm sóc và tập vật lý trị liệu cho Đức. Hình ảnh người BS nhỏ nhắn chở Đức bằng xe máy trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ và sau này, cũng chính ông tập cho Đức chạy xe máy, khiến truyền thông trong nước lẫn quốc tế rất xúc động.
"Ca mổ tách rời Việt - Đức là một cuộc đại phẫu vô cùng phức tạp về xương, ruột, niệu được thực hiện trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn và ngành y hoạt động trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề… Đây không chỉ là một thành tựu khoa học đã được khẳng định, mà còn mang ý nghĩa của sự vượt khó trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. Cuộc phẫu thuật không chỉ là trả lại cuộc sống cho 2 cơ thể dị dạng, có số phận nghiệt ngã mà còn chan chứa những tấm lòng đối với cuộc sống con người, nhất là đối với những người bất hạnh không có cuộc sống bình thường. Đó là tình người Việt - Đức" - Viện sĩ - TS-BS DƯƠNG QUANG TRUNG |
Một nụ cười hạnh phúc
Trở lại với cuộc đại phẫu của song Nhi (Trúc Nhi - Diệu Nhi) gần đây tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), có mặt trong phòng phẫu thuật từ 6 giờ 30 sáng đến hơn 3 giờ chiều, khi trả lời cùng báo chí, một nụ cười rạng rỡ, thần thái tươi tỉnh của vị BS tuổi đã gần 80 khiến ai nấy đều cảm phục. Nụ cười của ông gây ấn tượng mạnh mẽ với truyền thông, chúng tôi gọi đó là “một nụ cười hạnh phúc” bởi khi nhắc đến ngành phẫu thuật nhi của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, không ai quên được một BS Trần Đông A luôn trăn trở vì sự phát triển hoàn thiện của các cháu nhỏ.
Tiếp chúng tôi trong văn phòng làm việc phía cuối khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM), mọi tài liệu được sắp xếp gọn gàng, vị BS đã về hưu nhưng vẫn khoác áo blouse trắng, tiếp tục nghiên cứu chương trình ghép tạng cho trẻ em và sẵn sàng hội chẩn, hỗ trợ đồng nghiệp trong những ca bệnh phức tạp và vào bất cứ lúc nào.
Nhắc lại cuộc đại phẫu của song Nhi vừa qua, BS Trần Đông A vẫn còn nguyên một nụ cười hạnh phúc. “Không có niềm hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của một BS cứu được các cháu ở cửa thập tử nhất sinh, nên hôm đó tôi trả lời báo chí rằng mình thấy hạnh phúc. Ca song sinh dính nhau Việt - Đức cách đây 32 năm do tôi đứng đầu ê kíp thực hiện thì bây giờ, người đứng đầu ê kíp phẫu thuật cho 2 cháu Trúc Nhi - Diệu Nhi là thế hệ đồng nghiệp đi sau và học trò của tôi. Đó là niềm hạnh phúc của một người BS”, BS Trần Đông A nhắc lại.
Và điều khiến ông tin tưởng, tự hào về sự thành công của cuộc đại phẫu chính là đội ngũ y, BS và các thiết bị y tế hiện nay. BS Trần Đông A chia sẻ: “Trước đây, khó khăn, thiếu thốn bao nhiêu thì hôm nay chúng ta đều có đủ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có đầy đủ phòng chức năng và trang thiết bị không thua kém gì những bệnh viện nhi khác trên thế giới. Và ê kíp thực hiện là các y, BS chuyên khoa nhi được đào tạo bài bản không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, nên tôi rất tin tưởng chúng ta sẽ làm nên ca mổ thành công cho 2 cháu song Nhi”.
Nói về cái duyên và lý do để ông theo học bài bản về phẫu thuật nhi và hiện tại vẫn dành nhiều tâm huyết cho chương trình ghép tạng trẻ em, vị giáo sư gần 80 tuổi nở một nụ cười nhân từ: “50 năm trước, tôi chọn phẫu thuật nhi vì trẻ em Việt Nam lúc đó rất khó khăn, tôi thấy rất thương trẻ em mình. Đất nước chúng ta đi qua chiến tranh, nên trẻ em cũng chịu nhiều di chứng do chiến tranh để lại, tôi muốn góp chút sức mình để các cháu có thể lớn lên và phát triển một cách bình thường, khỏe mạnh”. Sau này khi về làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, BS Trần Đông A tâm niệm: “Một bệnh viện nhi phải có đầy đủ các chuyên khoa. Việc điều trị một em bé tốt nhất về mặt tâm lý lẫn sức khỏe là phải điều trị ở bệnh viện chuyên nhi”.
Trong những chia sẻ cùng chúng tôi, khi nhắc về các ca bệnh nhi đã được ông điều trị, BS Trần Đông A kể: “Không chỉ có Đức gọi tôi là ba đâu, các cháu gọi là ông ngoại, ông nội cũng nhiều lắm. 27-2 năm nào (Ngày Thầy thuốc Việt Nam - PV) các cháu cũng gửi hoa đến chúc mừng, có cháu giờ lớn đi du học rồi thì viết thư, tụi nhỏ viết thư hay và xúc động lắm”.
Có lẽ chính vì sự tận tâm, tận tụy dành cho nhi khoa, nhất là phẫu thuật nhi, giờ đây ở tuổi sắp bước sang 80, nhìn lại những chặng đường đã qua, những lẵng hoa, lá thư cảm ơn của các cháu gửi về mỗi dịp ngày 27-2, ông lại nở một nụ cười thật tươi: “Là BS, bao nhiêu đó đủ hạnh phúc rồi!”.
>> Bài 3: Điều kỳ diệu của sự sống