Dấu ấn y tế Việt Nam qua những ca đại phẫu - Bài 5: Kỳ tích ghép tạng, ghép chi

Sau hơn 28 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã sánh ngang với nhiều nước phát triển. Cùng với đó, các bệnh viện đầu ngành liên tục có những ca ghép mới vô cùng phức tạp, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật ghép tạng, ghép chi chuyên sâu ở Việt Nam.
GS Phạm Như Hiệp (bìa trái) vận chuyển trái tim người hiến tặng bằng đường hàng không từ Hà Nội về Huế để ghép cho bệnh nhân Phạm Văn Cơ
GS Phạm Như Hiệp (bìa trái) vận chuyển trái tim người hiến tặng bằng đường hàng không từ Hà Nội về Huế để ghép cho bệnh nhân Phạm Văn Cơ

Thời gian vàng để cứu người

“Đồng nghiệp nói quá cho vui, chứ không phải vậy mô”, GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nở nụ cười hiền hậu, mở đầu câu chuyện về ca ghép tim xuyên Việt hy hữu mà ông trực tiếp tham gia phẫu thuật lấy tạng, rồi cùng các chuyên gia Bệnh viện Việt - Đức vận chuyển trái tim hiến tặng về Huế cứu một bệnh nhân nghèo. 

10 giờ 13-6-2018, GS Phạm Như Hiệp lúc ấy đang tham dự kỳ họp Quốc hội khóa XIV, nhận điện khẩn từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thông báo, có nguồn tạng từ người chết não hiến tặng tại Bệnh viện Việt - Đức. Nguồn tạng  phù hợp bệnh nhân Phạm Văn Cơ (15 tuổi), cậu bé mồ côi làm nghề xay cá thuê, có trái tim giãn to gấp 3 lần bình thường, khiến lồng ngực nhô cao nên thường xuyên nhập viện trong tình trạng nguy kịch, dự đoán thời gian sống dưới 6 tháng.

GS Phạm Như Hiệp đến thẳng Bệnh viện Việt - Đức, cùng lãnh đạo bệnh viện tính toán, chọn thời điểm mổ lấy tạng từ người chết não, phù hợp thời khắc có kết quả thẩm định sự tương thích các chỉ số giữa bên hiến và bên nhận, từ phía ê kíp bác sĩ 2 bệnh viện đọ chéo. “Thời gian vàng của quả tim khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến chỉ có thể bảo quản trong 6 giờ. Nếu quá trình vận chuyển quả tim gặp trục trặc thì nguồn tạng hiến trở nên vô nghĩa. Song, quãng đường từ Hà Nội về Bệnh viện Trung ương Huế phù hợp với thời điểm mổ lấy tạng theo tính toán lúc ấy, lại không có chuyến bay thẳng từ Nội Bài đến Phú Bài (Huế). Mọi người đi đến quyết định hơi mạo hiểm là bay từ Nội Bài vào Đà Nẵng, rồi di chuyển ra Huế bằng đường bộ”, GS Phạm Như Hiệp kể.

Cuộc chạy đua trong lằn ranh sinh tử cứu bệnh nhân Phạm Văn Cơ càng căng thẳng hơn, khi trái tim hiến tặng được đặt lên máy bay từ Nội Bài vào Đà Nẵng. Đây cũng là lúc ở Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Cơ được các bác sĩ đưa vào phòng mổ để tiến hành tách tim. Cơ đã có 3 lần ngừng tim. Kíp mổ phải cấp cứu để hồi sức tim trong thời gian chờ đợi. Khi máy bay vừa hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng, chiếc xe cứu thương chờ sẵn ở sân bay để chở quả tim về Huế ngay trong đêm 13-6. Xe về đến Bệnh viện Trung ương Huế lúc 23 giờ 15 phút. Đến 2 giờ sáng 14-6, trái tim người chết não hiến tặng dưới sự chỉ huy trực tiếp của GS Phạm Như Hiệp đã được các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế “lắp ghép” tỉ mẩn, chính xác và đập đều đặn trong lồng ngực bệnh nhân Cơ. Cuộc phẫu thuật kết thúc lúc 6 giờ sáng và đến 9 giờ cùng ngày, bệnh nhân hồi tỉnh. 

Kể lại câu chuyện vận chuyển tạng hiến (tim và thận) của Thiếu tá quân đội Lê Hải Ninh (45 tuổi, quê Yên Mô, Thái Bình) vào Bệnh viện Chợ Rẫy, GS-TS Mai Hồng Bàng chia sẻ: Ban đầu, tim và thận dự tính vận chuyển cùng một chuyến. Quả tim được lấy ra đầu tiên trong khi thời gian bảo quản cho phép chỉ được 6 giờ. Thận lấy ra sau cùng nên tim không thể chờ thận mà phải chuyển đi ngay khi vừa rời lồng ngực người hiến. Bởi vậy, tim, thận hiến tặng được vận chuyển bằng 2 chuyến bay khác nhau. Nhiều đường dây đã được nối đến lực lượng an ninh của sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và cảnh sát giao thông ở hai nơi để kịp thời mang tạng hiến tặng ghép cho bệnh nhân.

Cả 5 bệnh nhân được GS Phạm Như Hiệp cùng các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép tim xuyên Việt bằng kỹ thuật ghép tim tiên tiến nhất thế giới, không cần các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ từ tháng 5-2018 đến nay, đều được theo dõi định kỳ tại bệnh viện với kết quả tốt, chưa có biến chứng. GS Phạm Như Hiệp chia sẻ nhẹ nhàng, ghép tim là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ chuyên ngành miễn dịch ghép, ê kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức cũng như điều trị và theo dõi sau ghép. Ghép tim xuyên Việt thành công đã mở ra nhiều hy vọng mới cho các bệnh nhân suy tim. “Nhưng các bạn hãy vinh danh nhiều hơn nghĩa cử cao đẹp của các gia đình người hiến tạng. Nếu không có họ, chúng tôi sẽ không làm được nhiều hơn khả năng của mình”, GS Phạm Như Hiệp xúc động.

Ghép chi thể từ người cho sống

Trong những ngày đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 đang căng thẳng, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép chi thể từ người cho sống cho một nam giới bị mất bàn tay do tai nạn lao động. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á và cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống. Bệnh nhân được ghép chi thể là anh Phạm Văn V. (31 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội). Năm 2016, trong quá trình lao động, anh V. bị tai nạn khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái dập nát, bác sĩ xử lý cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay trái. Sự mất mát khi bị cụt một tay ngay lúc trẻ tuổi khiến anh V. luôn ám ảnh và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Sau đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một ca bệnh nặng và phức tạp bị tai nạn lao động do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Trong 3 tuần điều trị với 3 lần phẫu thuật, bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật nỗ lực cứu cánh tay, nhưng tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Các bác sĩ thống nhất chỉ định phải cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Đáng chú ý, khi thăm khám cho bệnh nhân này, các bác sĩ cũng nhận thấy, phần thừa của chi thể bị cắt cụt (đoạn từ 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay) còn tương đối bình thường và có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Sau khi thuyết phục, bệnh nhân cùng gia đình đã đồng ý và tự nguyện hiến tặng một phần chi thể của mình cho anh Phạm Văn V. 

Sau khi cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng mọi nguy cơ có thể xảy ra, bệnh viện đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật ghép bàn tay mới cho anh Phạm Văn V. Kíp mổ do GS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cùng các bác sĩ của Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật thực hiện. Sau 8 giờ, ca phẫu thuật ghép bàn tay mới từ người hiến sống cho anh V. đã thành công tốt đẹp.  

Nói về ca phẫu thuật ghép bàn tay từ người cho sống lần đầu tiên trên thế giới được thực hiện ở Việt Nam, GS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, chồng nối chi thể đứt rời là kỹ thuật rất khó, phức tạp, là đỉnh cao của phẫu thuật tạo hình và vi phẫu thuật mạch máu thần kinh. Hơn nữa, phẫu thuật ghép chi thể đồng loại còn khó khăn hơn bội phần, vì đây là kỹ thuật phức tạp đòi hỏi người cho và người nhận phải tương thích từ nhóm máu đến hệ thống miễn dịch. Do đó, thành công này đã mở ra hướng điều trị mới trong tương lai, không chỉ ghép chi thể từ người hiến chết não mà còn từ người sống cho những người bệnh không may bị mất đi chi thể. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các nước trên thế giới có máy bay chuyên dụng để vận chuyển tạng trong khoảng cách tầm 500km và dưới mặt đất có sự hỗ trợ của cảnh sát dẫn đường để kịp thời gian vàng ghép tạng. Trên 500km, họ sẽ có chuyến bay riêng. Ở nước ta, dù còn nhiều khó khăn nhưng kỳ tích đã được tạo nên. Ngày 4 và 5-9-2015, lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam ghi nhận ca ghép tạng thành công mà tim và gan của người hiến được vận chuyển xuyên Việt (1.700km) bởi Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. 

Có thể nói, dấu ấn của ngành y tế Việt Nam qua những ca đại phẫu, đã đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ với nhiều kỹ thuật hiện đại, nhiều phương pháp điều trị mới được đưa vào ứng dụng sáng tạo và thành công… Những kết quả đó không chỉ là thành tích y khoa, mà ý nghĩa thiết thực hơn cả chính là mang lại sự sống cho nhiều người bệnh. Giá trị và ý nghĩa nhân văn từ thành công của những ca đại phẫu chính là ở đó…

Đến nay, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng. Từ ca ghép đầu tiên đến năm 2020, cả nước đã thực hiện khoảng 4.500 ca ghép tạng các loại. Phẫu thuật ghép tạng đã trở thành thường quy tại một số trung tâm ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà giá thành chỉ bằng 1/3 chi phí trên thế giới. Sau những thành công về ghép thận, ghép gan, ghép tim, Việt Nam đã “viết tiếp kỳ tích về ghép tạng” trên bản đồ y khoa thế giới, khi thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục