Thành công đó đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành y tế Việt Nam với nhiều ca phẫu thuật tái sinh kỳ diệu cho các song sinh dính liền nhau suốt từ năm 1988 tới nay, trong đó phải kể tới ca phẫu thuật Lê Thu Cúc - Lê Thúy An (Cúc - An) tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 17-10-2003.
Những giờ cân não
Ngày 15-7-2020, một ê kíp đặc biệt gần 100 y, BS của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình… bước vào cuộc đại phẫu tách rời 2 bé song sinh dính nhau - song Nhi.
Qua thăm khám ban đầu, các BS nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính, trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu quadripus.
Với các phương tiện chẩn đoán hiện đại như MRI, CTs mạch máu đã phát hiện hàng loạt các bất thường tại vùng bụng chung. Về hệ tiêu hóa: 2 bé có chung một phần hồi tràng, một khung đại tràng và chỉ có một lỗ hậu môn. Về hệ thận niệu: 2 bé có 2 bàng quang nằm hai bên của ổ bụng chung, mỗi bàng quang được 2 niệu quản xuất phát từ 2 bé khác nhau đổ vào, thay vì của cùng một bé. Về cơ quan sinh dục, 2 bé có tử cung âm đạo đôi. Ngoài ra, 2 bé còn có hở khớp mu, khung chậu 2 bé lại xếp thành một vòng tròn.
9 giờ 51 phút ngày 15-7-2020, TS-BS Trương Quang Định (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trưởng ê kíp phẫu thuật) rạch đường đầu tiên, bắt đầu cuộc mổ. Sau đó, TS-BS Trần Văn Dương (Bệnh viện Chợ Rẫy), Trưởng nhóm phẫu thuật tạo hình, bắt đầu rạch da, cân cơ và mở bụng tách 2 bé để nhóm phẫu thuật ngoại tổng quát tiến vào thám sát ruột và thực hiện phương án chia đôi ruột.
Tại phòng chờ dành cho báo chí, qua 2 màn hình lớn trực tiếp những gì đang diễn ra bên trong phòng phẫu thuật, chúng tôi hồi hộp dõi theo ca mổ. Gần 15 giờ, GS-BS Trần Đông A (tham vấn chuyên môn cho ê kíp phẫu thuật) chia sẻ: “Mọi việc diễn ra rất thuận lợi và đúng như dự đoán ban đầu, hiện tại đã xong phần tách rời 2 cháu”. Niềm hạnh phúc, xúc động vẫn còn nguyên trên gương mặt lẫn trong giọng nói của giáo sư và chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.
Hơn 20 giờ, ai nấy mong chờ vào kết quả cuối cùng với niềm tin và những hy vọng tốt đẹp nhất dành cho song Nhi. Bước ra khỏi phòng mổ, TS-BS Trương Quang Định thở phào: “Tới mũi khâu cuối cùng, mọi thứ đều ổn định, đây có thể gọi là thành công bước đầu. Sức khỏe 2 bé ổn định, các cháu được chuyển phòng hồi sức hậu phẫu, tiếp tục thở máy, an thần, giảm đau”.
Hành trình áp lực
Nhìn 2 con vui vẻ và ngày càng xinh xắn, khỏe mạnh, chị Bình không giấu nổi xúc động và hạnh phúc khi nhớ lại những năm tháng đầy gian khó, lo âu, tuyệt vọng đã qua. Ngày 6-12-2002, cặp song sinh Cúc - An chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa trong hoàn cảnh dính liền nhau từ xương ức, chung khoang màng tim, chung lá gan, tá tràng và ruột non.
Như một phép màu tới với gia đình chị Bình, khi 2 bé Cúc - An được 3 ngày tuổi, GS-TS Nguyễn Thanh Liêm lúc ấy là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong một chuyến công tác về quê hương xứ Thanh của mình, đã tới Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa và tình cờ gặp 2 bé. Lúc này, vị giáo sư đầu ngành nhi khoa Việt Nam đã động viên và hứa sẽ giúp đỡ.
Tới đầu năm 2003, khi 2 bé Cúc - An được gần 2 tháng tuổi, BS Liêm đã liên lạc đề nghị chuyển 2 bé Cúc - An ra Bệnh viện Nhi Trung ương để phẫu thuật tách rời. Nhiều cuộc hội chẩn xác định đây là trường hợp song sinh dính nhau nhiều bộ phận cơ thể rất phức tạp và việc phẫu thuật tách rời là giải pháp khả thi nhất để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho 2 cháu sau này, dù tỷ lệ thành công sau mổ tách chỉ là 50-50.
BS Nguyễn Thanh Liêm tâm sự: “Đó là một hành trình đầy áp lực”. Ngày 17-10-2003, khi Cúc - An được hơn 10 tháng tuổi, ca phẫu thuật tách rời với sự tham gia của ê kíp hơn 50 y, BS, trong đó có một số chuyên gia Mỹ. Cũng phải nói rằng, trước đó 1 năm, BS Nguyễn Thanh Liêm cùng các đồng nghiệp cũng đã thực hiện ca phẫu thuật tách cặp song sinh dính liền nhau Nghĩa - Đàn có chung nhau tá tràng, cơ hoành, mạng phổi, xương ức, ống mật chủ, ruột. Nhưng sau ca phẫu thuật chỉ cứu được Nghĩa, còn Đàn ra đi sau đó mấy tháng. Vì thế, khi BS Liêm quyết định thực hiện ca mổ tách cặp song sinh Cúc - An, áp lực rất lớn đè nặng lên vai những người thầy thuốc.
Sau gần 10 giờ tập trung cao độ và vô cùng căng thẳng, ca phẫu thuật tách rời 2 bé Cúc - An đã thành công. Đúng 17 giờ ngày 17-10-2003, lần đầu tiên sau hơn 10 tháng luôn dính chặt nhau, 2 bé Cúc - An được bế ra 2 giường, chính thức bắt đầu một cuộc đời mới. Ngay khi kết thúc ca phẫu thuật, GS Thimolthy Pruett, Giám đốc Trung tâm ghép tạng Đại học Virginia, Hoa Kỳ (chuyên gia tham gia ê kíp phẫu thuật) chia sẻ: “Ca mổ rất thành công. Các BS Việt Nam làm việc rất hoàn hảo”.
Không ca mổ nào vĩ đại hay tầm thường
Gặp lại TS-BS Trương Quang Định, nhưng lần này tâm thế của chúng tôi đã bớt hồi hộp vì tình hình sức khỏe của song Nhi tốt hơn từng ngày, 2 bé cùng được xuất viện, rạng rỡ về với gia đình. Chúng tôi lại nhớ đến chia sẻ của anh sau ca phẫu thuật: “Bệnh viện còn rất nhiều việc để làm trong quá trình chăm sóc cho 2 cháu theo từng giai đoạn và trong tương lai vì 2 cháu là bé gái nên chúng tôi còn nghĩ đến thiên chức làm mẹ và sinh con của 2 cháu sau này, chứ không chỉ là một hình hài trọn vẹn”.
Câu nói đầy tính nhân văn của BS Định khi ấy, thật sự xúc động. Nghe chúng tôi nhắc lại, anh cười và chia sẻ: “Không có ca mổ nhỏ cũng không có ca mổ lớn, không có ca mổ vĩ đại cũng không có ca mổ tầm thường, tất cả phải cố gắng hết mình vì bệnh nhân, dù đó chỉ là một tiểu phẫu bình thường, ít rủi ro. Là một phẫu thuật viên, không thể đứng trước một ca bệnh mà nói rằng ca này cứu được bao nhiêu phần trăm. Biết rằng mọi thứ đều có tỷ lệ rủi ro, nhưng bản thân người phẫu thuật phải cố gắng hết mình để cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá”.
Từ ca dính nhau Phi Long - Phi Phụng (năm 2013) đến song Nhi vẫn là trường hợp trẻ song sinh dính nhau nhưng không có ca nào giống với ca nào. “Y học là một ngành khoa học gần đúng chứ không thể đúng hoàn toàn 100% được, nên tỷ lệ rủi ro xảy ra là một điều không tránh khỏi. Trường hợp của Phi Long - Phi Phụng trước đây, 2 cháu dính nhau không nhiều, nhưng vị trí nguy hiểm đó là ngực, màng tim và có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ. Đến song Nhi, 2 cháu dính nhau khá phức tạp, vẫn có tỷ lệ rủi ro trong phẫu thuật nhưng nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ thì không nguy hiểm như trường hợp của Phi Long - Phi Phụng”, BS Định cho biết.
BS Nguyễn Thanh Liêm nay đã nghỉ hưu và rời vị trí Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương được 8 năm, nhưng hiện ông vẫn là một người vô cùng bận rộn trên cương vị là Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec. Ông vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh, mới nhất là lĩnh vực ghép tế bào gốc và gene.
Thời điểm đó, bước ra khỏi phòng mổ 2 cháu Cúc - An, BS Liêm và các cộng sự vẫn còn đó những âu lo vì chặng đường phía trước đối với Cúc - An và gia đình còn rất nhiều gian khó. “Áp lực từ ca mổ Cúc - An là sự quan tâm rất lớn từ dư luận và tình trạng dính nhau của các cháu quá phức tạp. Với một ca mổ như thế, nói thực là tôi không được phép thất bại. Sau phẫu thuật, tôi lo lắng đến mức cả tháng trời, kể cả giữa đêm khuya hay rạng sáng, hay khi đi công tác nước ngoài, tôi vẫn phải gọi điện cho các BS, y tá theo dõi sức khỏe hậu phẫu để dặn dò mỗi ngày... Đến giờ, Cúc - An đã bước vào tuổi 18, tôi vẫn dõi theo thông tin về các cháu. Đó là một niềm vui giản dị của những người thầy thuốc”, BS Liêm nhớ lại và cho biết, ông cảm thất rất vui, hạnh phúc khi Cúc - An ngày càng khỏe mạnh và cả 2 vừa đậu đại học với điểm số khá cao.
17 năm đã qua sau ca đại phẫu tách rời Cúc - An, hôm nay, trong căn nhà nhỏ của gia đình chị Trịnh Thị Bình và anh Lê Thanh Luân ở tiểu khu 3, thị trấn Hà Trung, Thanh Hóa, rộn ràng tiếng cười và những lời chúc mừng Cúc - An đậu đại học. Còn với gia đình song Nhi lúc này, niềm vui được nhân thêm khi có được cuốn sổ tiết kiệm nhỏ do các nhà hảo tâm quyên góp để gia đình tiếp tục chăm lo cho con, và hơn hết chính là vòng tay bảo vệ, theo dõi chặt chẽ, chăm sóc tận tình sức khỏe 2 cháu từ ê kíp Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. |
Bài 4: Chinh phục những đỉnh cao