Dấu ấn phát triển Phật giáo TPHCM

Nhiệm kỳ VIII Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM được đánh giá là đã đạt được những thành tựu phật sự trên nhiều lĩnh vực, với quy mô và sức hút lớn đối với tăng ni, phật tử; tạo được dấu ấn tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc. 
Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo TPHCM lần thứ IX, Hòa thượng Thích Trí Quảng (ảnh), Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về những dấu ấn phát triển Phật giáo nhiệm kỳ qua.
Dấu ấn phát triển Phật giáo TPHCM ảnh 1
 PHÓNG VIÊN: Thành tựu quan trọng nhất được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đánh giá nhiệm kỳ qua, thưa Hòa thượng?

 Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG: Thành tựu rõ nhất nhiệm kỳ qua, đó là về việc kiến thiết cơ sở vật chất của Giáo hội. Năm 2014, chính quyền TPHCM đã quyết định giao thêm 7.200m2 cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM quản lý, mở rộng Việt Nam Quốc Tự (quận 10) làm trung tâm hành chánh, văn hóa và tâm linh mới của Phật giáo TP. Công trình được khởi sự ngày 12-10-2014 và hoàn thành sau 3 năm xây dựng đúng với thiết kế và quy hoạch của TP. Việt Nam Quốc Tự không chỉ là một ngôi chùa đơn thuần đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân có tín ngưỡng đạo Phật, mà là một Trung tâm Phật giáo giữa lòng TP. Công trình có sự tham gia thiết kế của nhiều nhà kiến trúc, quản lý đô thị với tổng diện tích hơn 23.000m2, gồm các hạng mục: chánh điện, hội trường, khu làm việc của Ban Trị sự Phật giáo TP, tầng hầm và bảo tháp 13 tầng (cao 63m), gắn với ý nghĩa của cuộc đấu tranh bất bạo động, phản đối chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, xuất phát từ Huế, nhưng cao điểm là ở Sài Gòn - TPHCM ngày nay. Việt Nam Quốc tự được khánh thành và đưa vào hoạt động đúng vào ngày diễn ra Đại hội Phật giáo TPHCM lần thứ IX và kỷ niệm 36 năm thành lập Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (7-11-1981 - 7-11-2017), trở thành dấu ấn đẹp nhất của Phật giáo TPHCM nhiệm kỳ qua. 

Ngoài công trình trên, cơ sở chùa Phật Cô Đơn (Bát Bửu Phật Đài) cũng đang được xây dựng và tái kiến thiết toàn diện thành một trung tâm văn hóa, tín ngưỡng. Hay thành tựu đáng kể nữa là việc xây dựng và khánh thành giai đoạn 1 Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh). Học viện là trung tâm đào tạo tăng ni cấp cử nhân và là nơi đầu tiên tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho đào tạo thạc sĩ Phật học. Hiện Học viện đang đào tạo 2 khóa XI và XII chương trình cử nhân Phật học, với hơn 1.000 tăng ni sinh viên nội trú. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng chương trình toàn diện để Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM không chỉ đảm trách việc đào tạo nguồn nhân lực cho Giáo hội, cho Phật giáo các tỉnh thành, mà hơn thế nữa, trở thành một trung tâm đào tạo chương trình cử nhân, sau đại học Phật giáo, xứng đáng với tiềm năng của TPHCM - trung tâm văn hóa, giáo dục lớn của cả nước, đủ sức để tương quan với các trung tâm giáo dục Phật giáo của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

* Nét nổi bật nhất của giới tăng ni, phật tử tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước của TP trong những năm qua là gì, thưa Hòa thượng?

 Tăng ni, phật tử luôn ý thức rằng cuộc sống là duyên sinh, làm tốt đẹp cuộc đời, là làm tốt đẹp cho chính mình, tích cực tham gia dấn thân vào các lĩnh vực xã hội trong ý nghĩa tốt đạo đẹp đời, tự lợi và lợi tha.

Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo TPHCM chúng tôi trong các nhiệm kỳ qua đã duy trì và mở rộng các buổi giảng định kỳ hàng tuần, phủ đều các quận huyện. Qua đó khuyến khích phật tử tích cực phát huy tinh thần tương thân tương ái, tham gia các phong trào công ích, các phong trào thi đua yêu nước. Thành viên của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP có 1 vị là đại biểu Quốc hội, 2 vị là đại biểu HĐND TP và nhiều vị tham gia HĐND, MTTQ các cấp, góp phần vào xây dựng chính quyền vững mạnh. Ngoài ra, tăng ni, phật tử TPHCM luôn đi đầu trong công tác từ thiện và an sinh xã hội. 5 năm qua đã có hơn 2.000 tỷ đồng được tăng ni, phật tử đóng góp cho công tác này, dẫn đầu trong 63 tỉnh, thành của cả nước. Nhiều tổ chức, cá nhân thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP và các quận huyện đã được biểu dương trong các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua, là minh chứng cho sự tích cực của tăng ni, phật tử sống theo tinh thần “hộ quốc an dân” của truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

* Phương hướng nhiệm kỳ mới đặt ra cho các hoạt động Phật sự của Phật giáo TPHCM, trọng tâm là những nội dung gì, thưa Hòa thượng?

 “Đoàn kết Tăng đoàn - Ổn định nhân sự - Phát triển Giáo hội”, đó là phương châm, cũng là thông điệp cho phương hướng của nhiệm kỳ mới 2017 - 2022 của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM. Theo đó, các nội dung trọng tâm được đặt ra, đó là: Đột phá trong các hoạt động Phật sự, nhiệt tâm trong góp ý, tích cực trong công việc và cách tân trong hội nhập, nhằm phù hợp với sự phát triển và đi lên của đất nước, của TPHCM. Để hoàn thành tốt phương hướng và mục tiêu phát triển trên, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, góp phần trang nghiêm Giáo hội và tích cực đóng góp vào thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
 
* Hòa thượng có cảm nghĩ, kỳ vọng gì đối với nhiệm kỳ mới này?

 Chúng tôi luôn tin tưởng vào tinh thần đoàn kết và truyền thống của dân tộc, những giá trị đã được đúc kết qua lịch sử và được thể hiện sinh động trong quá khứ và hiện tại. Tôi có kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, Phật giáo TPHCM sẽ có những bước phát triển toàn diện, góp phần đưa TPHCM xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, cũng như truyền thống Phật giáo ở vùng đất này.

* Trân trọng cảm ơn Hòa thượng! 

Tin cùng chuyên mục