1. Đà Lạt - vùng đất hiền hòa đã thu hút bao thế hệ từ nhiều vùng miền quần tụ về đây. Và rồi mỗi con người với mỗi số phận, địa vị xã hội thuở xưa, họ cùng nhau xây dựng nên một đô thị du lịch thơ mộng và giàu bản sắc văn hóa. Thông qua những kỷ vật gồm vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động hoặc hình ảnh lưu giữ qua những thời kỳ trưng bày tại Dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức (cũ), chúng ta có thể hình dung về một phần quá khứ sinh động của phố núi Đà Lạt.
Dẫn chúng tôi tham quan, ông Hoàng Mạnh Tiến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, cho biết, những hiện vật tại đây được trung tâm dày công sưu tập trong cộng đồng hoặc chính gia đình người Đà Lạt đem đến để trưng bày giới thiệu với du khách.
Chẳng hạn, những kỷ vật trưng bày trong không gian Ký ức bazan cho ta gợi mở về một Đà Lạt khởi đầu chỉ là vùng đất hoang sơ, bạt ngàn cánh rừng nguyên sinh, núi đồi gối đầu nhau, sương mờ che phủ, đâu đó là tiếng thú gọi đàn, thưa thớt một vài buôn làng người Lạch, người Chil tụ cư quanh con suối nhỏ chạy dài theo đồi cỏ.
Đầu thế kỷ 20, sau khi được lựa chọn làm thủ phủ mùa hè, trung tâm nghỉ dưỡng, Đà Lạt đã thực sự hấp dẫn, là nơi hội tụ của cư dân các vùng miền, phần lớn là những người lao động nghèo ở miền Bắc, miền Trung di cư tự do hoặc những người đi phu, tạp dịch rồi tự nguyện ở lại lập nghiệp. Đất lành chim đậu, những năm 1930-1960, lịch sử ghi dấu những đợt di dân từ Hà Nội, Nghệ Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Họ mang theo tên đất, tên làng, hình thành nên những tên làng, ấp như: Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Đa Phú, Tùng Lâm, Thái Phiên, Vạn Thành, Thánh Mẫu, Trại Mát… Quá trình lập nghiệp nơi xa, cư dân Đà Lạt không quên mang theo hành trang là vật dụng sinh hoạt, công cụ sản xuất - được ví như những “bảo vật” nơi quê mới, tất cả được tái hiện trong không gian Nguyên quán.
Đâu đó là những bộ nồi đồng, đèn dầu được mang theo suốt những năm gian khó, dù thời gian có thay đổi thế nào, cư dân Hà Đông cũng giữ đến tận ngày nay. Hay những bộ đồ nghề, những chiếc cân theo người nông dân một nắng hai sương ra vườn, bộ đồ mộc, đồ chế tác nữ trang hay bộ kìm, kéo cắt tỉa của nghệ nhân trồng hoa.
2. Sự khó khăn, vất vả một thời đã không làm mất đi sự lịch thiệp của con người nơi đây qua hình ảnh các bà, các chị bán hàng rong nhưng vẫn mang những bộ áo dài, hay hiện vật chiếc xe đạp mini có thùng kim loại gắn phía sau và kèm bức chân dung “ông già bán đậu phụng rang” được trưng bày tại một gian trang trọng, mang tới câu chuyện thú vị.
Vào những năm 70, 80 của thế kỷ 20, người dân Đà Lạt chắc ai cũng biết ông già bán đậu phụng rang (tên thật là Hàng Vũ Quang), có biệt tài rang đậu phụng thật khéo, giòn, nóng mà lớp vỏ nâu nâu vẫn còn nguyên. Dù trời nắng hay mưa thì ông vẫn mặc một bộ vest trắng, thắt cravat, quần áo không một nếp nhăn và nụ cười không khi nào vắng trên môi, đeo thùng đậu phụng rang trước bụng bán trong các rạp Ngọc Lan, Ngọc Hiệp và Hòa Bình. Có lúc ông để thùng phía sau xe đạp rảo quanh các phố chính, nơi nhiều khách qua lại, với tiếng rao khàn khàn đục đục: “Đậu rang nóng giòn đây!”.
Điều khiến người xem ngạc nhiên, trầm trồ nhất có lẽ là gian trưng bày Âm trầm, hiện trưng bày hàng trăm hiện vật là những chiếc máy chiếu, thiết bị nghe nhạc, radio và đặc biệt là những chiếc máy ảnh cổ, bức ảnh xưa ghi lại một phần lịch sử Đà Lạt. Những hiện vật tái hiện thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật nhiếp ảnh và công cụ làm ảnh qua những tác giả nổi tiếng thuở xưa như Đặng Văn Thông, Nguyễn Bá Mậu, Trần Văn Châu, MPK… Có lẽ vì vùng đất Đà Lạt có không gian thiên nhiên quá đẹp, quá thơ mộng nên người Đà Lạt cũng vì thế mà đam mê nhiếp ảnh.
Trong không gian trưng bày kỷ vật, du khách còn “gặp” các nhân vật từng ghi dấu ấn trong lịch sử phát triển của thành phố như: bộ sưu tập của cụ Nguyễn Văn Bồng, người dẫn đầu đoàn di dân miền Bắc vào Đà Lạt trồng rau, hoa, lập nên ấp Hà Đông; bộ sưu tập của nhà Đà Lạt học Lê Phỉ, trước năm 1975 là Hiệu trưởng Trường Việt Anh; tủ sách của nhà ngôn ngữ và dân tộc học Nguyễn Bạt Tụy (1920-1995); chiếc đàn dương cầm mà cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sử dụng khi ông bắt đầu đến với âm nhạc và sử dụng trong lần cuối cùng quay lại Đà Lạt; bộ bàn ghế cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi cùng bạn bè ở quán Cà phê Tùng cách đây nửa thế kỷ...
Nhiều dụng cụ đơn lẻ thú vị như chiếc ống nghiệm lớn đầu tiên dùng để điều chế vaccine của Viện Pasteur Đà Lạt; phiếu mua hàng, thẻ căn cước song ngữ, máy sưởi, bộ bàn ghế sử dụng trong gia đình người Đà Lạt…
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện thú vị gắn liền bóng dáng những chủ nhân của nó để lại trong từng bối cảnh lịch sử, xã hội. Qua những kỷ vật này, du khách không chỉ có cái nhìn về quá khứ cuộc sống của người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách mà còn thêm yêu Đà Lạt hơn khi hiểu được phần nào văn hóa vùng đất này.
Với người Đà Lạt xưa, trong nghi lễ truyền thống, dẫu có Âu hóa thì chiếc áo dài vẫn là trang phục đặc biệt của nam và nữ. Dẫn chúng tôi tham quan không gian ký ức xưa với những bộ trang phục áo dài truyền thống, ông Hoàng Mạnh Tiến Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng giới thiệu: “Đây là không gian trưng bày của gia đình ông Võ Quang Tiềm, chủ hiệu may nổi tiếng ở Đà Lạt, sau này gia đình ông chuyển sang nghề buôn thuốc lá, rượu và bất động sản, là một trong 4 người giàu nhất Đà Lạt những năm 50, 60 của thế kỷ 20. Không gian còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn bức tranh sinh hoạt, sản xuất của gia đình với công cụ máy may, bộ trang phục, hay những tấm thẻ, biên lai cho thuê nhà, và đặc biệt còn có cả tên bảng hiệu bị sứt mẻ theo thời gian. Qua đây thấy được đời sống sinh động của người dân Đà Lạt xưa, nơi không chỉ có sản vật rau, hoa”. |