Kỹ sư Nguyễn Văn Hóa tham gia tổ chức một hội thi trong đơn vị
Được giao đảm nhiệm địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam, nhiều năm qua, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) đã cung cấp đủ điện an toàn, thông suốt, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân. Để có được kết quả này, những “người lính truyền tải” đã đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến, giá trị lên đến nhiều tỷ đồng. Kỹ sư điện Nguyễn Văn Hóa, Phó Giám đốc kỹ thuật PTC4, là một điển hình với những đóng góp nổi bật.
Khi kỹ sư điện làm… khuyến nông
Hàng năm, PTC4 vận hành khoảng 6.000km lưới điện 220kV - 500kV, truyền tải khoảng 48% tổng sản lượng điện toàn quốc để cung ứng cho 19 tỉnh, thành phía Nam.
“Lưới điện truyền tải của đơn vị đi qua nhiều ruộng lúa, vuông tôm, có tần suất sét nhiều nên dễ bị sét đánh. Nếu sét đánh gây sự cố trên đường dây 220kV, 500kV thì việc cung cấp điện sẽ bị gián đoạn”, ông Hóa cho biết.
PTC4 đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm xảy ra sự cố đường dây do sét (như sửa chữa dây tiếp địa, lắp chống sét...), nhưng với những đường dây quá cao thì những cách trên không tác dụng nhiều. Kỹ sư Hóa nảy ra sáng kiến “mượn tạm” thiết bị từ một công trình cải tạo đường dây 220kV (dự kiến hoàn thành trong năm 2017) đưa sang đường dây 220kV Cà Mau - Ô Môn và 220kV Nhà máy điện Phú Mỹ - Cát Lái. Qua đó đã kéo giảm 16 vụ sét đánh trúng đường dây, ước tính giúp PTC4 tiết kiệm được 32 tỷ đồng chi phí sửa chữa khắc phục sự cố.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hóa nhớ lại lần đến hiện trường xử lý một sự cố đường dây có nguyên nhân do cháy rẫy mía gây ra. Bên cạnh việc huy động lực lượng trong công ty phụ giúp nông dân tuốt bớt lá mía để tránh nguy cơ cháy, PTC4 còn đề nghị nhà máy đường hỗ trợ, ưu tiên thu mua mía của người dân ở khu vực gần lưới điện. Đồng thời, các kỹ sư điện đã làm luôn vai “cán bộ khuyến nông” khi phân tích, vận động người dân (đặc biệt ở khu vực huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) chuyển sang trồng loại cây khác vừa hiệu quả về kinh tế vừa an toàn cho lưới điện.
Những sáng kiến tiền tỷ
Với đường dây truyền tải 220kV hoặc 500kV, mỗi khi xảy ra sự cố thì mức thiệt hại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất lớn. Vì vậy, các kỹ sư, nhân viên của PTC4 luôn tìm kiếm giải pháp đảm bảo hệ thống truyền tải luôn an toàn để việc cung cấp điện liên tục, ổn định. Phó giám đốc Nguyễn Văn Hóa chia sẻ, trong quá trình vận hành, mục tiêu quan trọng nhất mà PTC4 hướng tới không phải là khi có sự cố thì khắc phục, mà là tìm giải pháp để ngăn ngừa sự cố xảy ra.
Cách nghĩ trên đã có từ khi ông Hóa ra trường, bắt đầu làm cán bộ kỹ thuật PTC4 vào năm 1993. Gần đây, khi một sự cố xảy ra ở trạm 500kV Tân Định, ông Hóa (lúc này đã là phó giám đốc công ty) trực tiếp đến hiện trường, xử lý lại khoảng cách các đường dây cho an toàn hơn. Ước tính, giải pháp này làm lợi khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Còn với giải pháp điều khiển để thử nghiệm hoạt động của hệ thống rờ le bảo vệ (do ông Hóa đề xuất), sự cố trên lưới điện 220kV, 500kV đã được kéo giảm và khi xảy ra sự cố thì không phải cắt điện đột xuất để xử lý. Theo tính toán, mỗi lần xảy tra sự cố, thời gian xử lý trung bình khoảng 4 giờ, nên ước tính giải pháp này làm lợi khoảng 2,5 tỷ đồng.
Gặp khó, ló khôn
Nhận thấy việc dùng xe nâng, thang rút không đáp ứng tốt yêu cầu xử lý vệ sinh, ngăn ngừa nhiệt độ tăng tại các dao cách ly ở trạm biến áp, kỹ sư Hóa đã sáng chế loại thang đóng 3 mặt khắc phục được các bất cập của các thiết bị trên. Sản phẩm này được áp dụng đại trà, làm lợi cho PTC4 khoảng 500 triệu đồng/năm.
Trong dự án nâng công suất trạm 500kV Tân Định, ông Hóa đề xuất sử dụng một số dây điện, phụ kiện khác thay thế cho các thiết bị đang thiếu (vì chờ nhập rất lâu, lại khó đặt hàng do số lượng ít). Từ đó, công trình hoàn tất vượt tiến độ, làm lợi 250 triệu đồng. Quan trọng hơn, việc kịp thời nâng công suất trạm 500kV đã ngăn ngừa xảy ra sự cố đường dây do quá tải.
Kỹ sư Hóa cũng là người đưa ra giải pháp đấu nối lại ở trạm 500kV Phú Lâm, đảm bảo cung cấp điện liên tục cho phụ tải, ước làm lợi khoảng 1,5 tỷ đồng/năm; đề xuất phương án xử lý khoảng cách ở đường dây 500kV Đắk Nông - Cầu Bông tại một điểm giao cắt với quốc lộ 14, giúp tiết kiệm chi phí nhân công, vật tư, làm lợi khoảng 1,6 tỷ đồng.