Đầu tiên là gạo ST24, ST25 tiếp tục khẳng định vị trí khi lọt vào tốp 4 gạo ngon nhất thế giới. Kế đến Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - Cần Thơ đã khẳng định thương hiệu gạo Việt ở các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc. Điểm nhấn chính là sản phẩm gạo của doanh nghiệp Trung An đóng dấu đạt chuẩn GlobalGAP in trên bao bì khi xuất khẩu cũng như bán buôn tại thị trường Việt Nam.
Tại ĐBSCL, hai địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất là Kiên Giang và An Giang đã hình thành các vùng sản xuất lớn gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong đó, Kiên Giang là tỉnh có diện tích và sản lượng lúa lớn nhất ĐBSCL (trên 4 triệu tấn lúa/năm). Năm 2022, giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao hơn nhiều nước là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao. Đây được xem là chuyển biến từ vùng nguyên liệu, khi nông dân sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, ĐBSCL đang tập trung thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ và vùng ĐBSCL cần đầu tư khoa học và cấu trúc hạ tầng thủy lợi, thiết lập vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả; tạo điều kiện khuyến khích nhất cho nông dân tham gia các HTX kiểu mới trên cánh đồng lớn của họ liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra hạt lúa của nông dân, chế biến thành những sản phẩm có thương hiệu mạnh.