Tại triển lãm, ngành di sản của tỉnh Phú Yên tổ chức không gian trưng bày 90 hiện vật gốc và 115 hình ảnh về dòng gốm cổ Quảng Đức, tỉnh Phú Yên.
Hình ảnh về lò nung gốm cổ Quảng Đức |
Các làng gốm Quảng Đức hiện không còn, di chỉ cũ nay thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An (Phú Yên). Mặc dù vậy, hiện vật, di chỉ văn hóa và các di chỉ, hiện vật liên quan về không gian văn hóa của dòng gốm này hiện vẫn được ngành di sản tỉnh Phú Yên lưu giữ rất nhiều, trên 200 hiện vật và hàng trăm hình ảnh.
Theo giới chuyên môn, quan sát dòng gốm Quảng Đức có những giá trị nghệ thuật, biểu hiện kỹ thuật chế tác, màu sắc, chủng loại, đề tài trang trí rất phong phú, độc đáo. Đây được đánh giá là dòng gốm ấn tượng, riêng biệt nhất cả nước.
Sản phẩm gốm cổ Quảng Đức được lưu giữ lại. Ảnh: THANH HƯNG |
Trưng bày nhiều hiện vật gốm cổ quý Quảng Đức. Ảnh: THANH HƯNG |
Nguyên liệu làm gốm từ đất sét làng An Định, men từ vỏ sò huyết đầm Ô Loan. Trong đó, ấn tượng kỹ thuật gốm này là chế tác từ nguyên liệu vỏ sò huyết được sử dụng bọc vào các sản phẩm gốm trước khi nung ở lò. Quá trình nung, vỏ sò huyết sẽ bám vào vỏ gốm tạo thành các hoa văn, biểu hiện dòng gốm. Gốm Quảng Đức rất đa dạng về chủng loại và đề tài trang trí.
Sản phẩm gốm Quảng Đức đa dạng về chủng loại, như: nậm rượu, ché rượu, bình vôi, chum, chậu kiểng, bình hoa, chân đèn, lư hương.... Đề tài trang trí trên gốm phong phú như: long - lân - quy - phụng, ngư - tiều - canh - mục, hoa sen, hoa mai hoặc tiên ông, tùng lộc, ngựa, chim công, dơi…
Hiện vật gốm cổ Quảng Đức có màu đỏ huyết rất ấn tượng. Ảnh: THANH HƯNG |
Hiện vật gốm cổ Quảng Đức còn nguyên các họa tiết tự nhiên từ vỏ sò huyết đầm Ô Loan. Ảnh: THANH HƯNG |
Kỹ thuật làm gốm Quảng Đức ấn tượng ở việc sử dụng nguyên liệu vỏ sò huyết đầm Ô Loan để chèn quanh sản phẩm gốm khi nung nhằm tăng nhiệt lò nung. Quá trình nung, một phần vỏ sò huyết dính vào lớp men của đồ gốm tạo nên vẻ đẹp đặc trưng sản phẩm gốm Quảng Đức. Sản phẩm gốm Quảng Đức đa số có màu xanh hoặc đỏ huyết rất đặc trưng, khác biệt với các dòng gốm trong nước và khu vực.
Nhiều cán bộ ngành văn hóa đang tham quan, nghiên cứu về gốm cổ Quảng Đức |
Hình ảnh tại triển lãm |
Hiện vật gốm cổ Quảng Đức màu xanh ngọc |
Trong giai đoạn phát triển nhất của gốm Quảng Đức thế kỷ XVIII, XIX đến đầu thế kỷ XX, sản phẩm các làng gốm ở đây không chỉ phục vụ thị trường Phú Yên mà còn đi đến nhiều tỉnh ở Tây Nguyên, Nam bộ.
Đưa gốm cổ lên không gian ảo
Hiện, Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên đã lưu giữ, bảo tồn 200 hiện vật gốm cổ Quảng Đức. Tháng 5-2023 vừa qua, phòng trưng bày gốm cổ Quảng Đức đã mở cửa để đón du khách, nhà nghiên cứu tham quan.
Theo nhà nghiên cứu cổ vật Trần Thanh Hưng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên, hiện đơn vị đang chọn một số sản phẩm gốm cổ Quảng Đức tiêu biểu để thí điểm số hóa, xây dựng demo không gian tham quan ảo. Thời gian tới, để các giá trị văn hóa dòng gốm cổ Quảng Đức được phát huy, triển lãm số trước du khách, người dân và đặc biệt giới trẻ, học sinh thì cần có thêm kinh phí từ tỉnh để xây dựng chương trình đưa di sản qua nền tảng số.