Từ sàn đấu trong nước
Nhà đấu giá nghệ thuật LyThi auction ra mắt bằng phiên đấu giá vị nghệ thuật tại TPHCM là sự kiện khiến giới nghệ thuật và những người yêu thích mỹ thuật nức lòng chẳng khác gì nắng hạn gặp mưa. Bởi lẽ, vấn nạn tranh nhái, tranh giả bấy lâu nay đã khiến thị trường mỹ thuật trong nước vốn đìu hiu lại càng rơi vào cảnh chợ chiều, có cũng như không.
Với tâm huyết mang đến một thị trường nghệ thuật thực sự lành mạnh, tôn vinh nghệ sĩ sáng tạo, khẳng định giá trị nghệ thuật của tranh Việt, LyThi auction đã có bước dấn thân mạnh mẽ, chọn cho mình một lối đi mới đầy chông gai và thử thách.
Khởi đầu không ít chệch choạc bởi sự non trẻ, số lượng tác phẩm được bán trực tiếp tại sàn tuy khiêm tốn nhưng niềm đam mê nghệ thuật và niềm tin mà LyThi auction mang đến với công chúng là sự khích lệ rất lớn.
Giới nghệ thuật trong nước thêm một lần nữa rúng động khi cùng thời gian này, nhà đấu giá nghệ thuật Chọn cũng chính thức ra mắt tại Hà Nội.
Cứ trung bình hơn 1 tháng thực hiện 1 phiên đấu giá, đến nay Chọn đã tổ chức thành công 9 phiên đấu giá với hàng trăm tác phẩm nghệ thuật, tổng giá trị giao dịch lên đến gần 1 triệu USD.
Tại cả hai nhà đấu giá này, ngoài những tên tuổi bậc thầy, thêm một tín hiệu vui là đã có sự xuất hiện của những gương mặt đương đại và những tác giả trẻ.
Family life - tác phẩm của danh họa Lê Phổ vượt mốc triệu USD trên sàn đấu giá quốc tế.
Nếu như ở các nước phát triển, việc đầu tư cho tác phẩm nghệ thuật từ lâu đã được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn, mang lại lợi nhuận lớn, thì ở Việt Nam hiện tại mới bắt đầu hình thành ý tưởng đầu tư vào nghệ thuật. “Tuy muộn vẫn còn hơn không. Sự ra mắt của các nhà đấu giá nghệ thuật là một tín hiệu rất tốt, nhằm động viên các nghệ sĩ sáng tạo, góp phần hình thành một thị trường nghệ thuật đúng nghĩa tại Việt Nam và tôn vinh những giá trị nghệ thuật đích thực”, Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, nhìn nhận.
Đến vượt mốc triệu USD trên sàn quốc tế
Không dừng lại ở đó, mỹ thuật Việt Nam trong năm 2017 còn đánh dấu một sự kiện vô cùng quan trọng khi tác phẩm của danh họa Lê Phổ đã vượt mốc con số triệu USD, lập kỷ lục họa sĩ Việt Nam có giá tranh cao nhất trên sàn quốc tế.
Tác phẩm Family life (Đời sống gia đình) của họa sĩ bậc thầy này đã được nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong gõ búa chốt giá 1.172.080 USD, vượt rất xa giá dự đoán ban đầu (từ 231.840 đến 309.120 USD).
Danh họa Lê Phổ (1907-2001) được xem là một trong những đại diện tiêu biểu của các thế hệ mỹ thuật Đông Dương. Đời sống gia đình được vẽ trong khoảng từ năm 1937 - 1939, chất liệu mực và bột màu trộn keo trên bố, kích thước 82x66cm, thể hiện sinh hoạt của người Việt. Tác phẩm thực sự đã tạo nên cú sốc đáng mừng cho mỹ thuật Việt Nam.
Làng bản của Nguyễn Gia Trí - được bán với giá 381.559 USD tại sàn đấu giá nghệ thuật quốc tế Sotheby’s
Sự kiện mang tầm quốc tế này thực sự mang lại nguồn sinh khí mới cho thị trường nghệ thuật nước nhà, là niềm tự hào lớn lao của họa sĩ Việt Nam. Không chỉ được vinh danh trên sàn đấu giá nghệ thuật quốc tế danh tiếng bậc nhất như Christie’s, Sotheby’s, họa sĩ Việt còn chinh phục được các nhà sưu tập, nhà đầu tư nghệ thuật tầm cỡ thế giới.
Giới chuyên môn cho rằng, vượt mốc triệu USD là câu chuyện thời gian, bởi giá tranh Lê Phổ đã được giao dịch hàng chục năm qua và luôn ở mức giá cao ở sàn đấu giá quốc tế.
Trước đó, bức Giáng sinh của ông từng có giá khởi điểm 360.000 USD tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong năm 2015, Nhìn từ đỉnh đồi bán giá ngất ngưởng 840.000 USD tại phiên đấu của nhà này vào cuối năm 2014… Bên cạnh Lê Phổ, nhiều tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt Nam cũng góp mặt tại các phiên đấu quốc tế với giá ấn tượng, như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Hậu… cùng nhiều gương mặt đương đại khác.
Sau những thăng trầm và hệ lụy từ vấn nạn tranh giả, tranh nhái, giờ đây giá trị thực sự của tranh Việt vừa hé mở sang một trang mới với nhiều tin yêu và hy vọng.