Những tín hiệu vui
Nhiều hộ gia đình tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, trước đây không có kỹ thuật, vốn để chuyển đổi mô hình canh tác, chủ yếu trồng lúa và hoa màu, cuộc sống bấp bênh.
Nay họ được tham gia các khóa học nghề, vay vốn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng hoa mai, lan, cây cảnh, chăn nuôi bò sữa, cho thu nhập cao. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Trải (60 tuổi, ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức, Củ Chi, TPHCM) - một trong những nông dân tiêu biểu của huyện Củ Chi và thành phố.
Kể về buổi đầu lập nghiệp, ông Trải cho biết, vốn là nông dân gắn bó cùng đồng ruộng, khi thấy đất bỏ hoang, xót lòng, tiếc lắm nhưng bất lực vì không có tiền và chuyên môn. Được huyện hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo và tham gia các khóa học “Sản xuất rau theo hướng hữu cơ” do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân TPHCM phối hợp cùng Hội Nông dân xã Nhuận Đức tổ chức.
Sau khóa học, ông bàn tiếp với vợ vay mượn thêm của người thân, bạn bè, rồi thuê lại đất của dân để chuyên canh trồng rau sạch. Thuê được đất, ông dồn công sức, tiền bạc vào cải tạo, san lấp mặt bằng, vét đất làm đường đi… được 2ha.
Do thổ nhưỡng thuận lợi cùng với nắm vững kỹ thuật khi theo học, cây trái ông Trải trồng phát triển xanh tốt và cho hoa quả quanh năm, diện tích canh tác lên 5ha, 10ha, đến nay là trên 20ha. Rau củ quả được ông cung cấp ra thị trường bình quân 3-4 tấn/ngày, lúc cao điểm lên đến hơn 10 tấn/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho gần 70 lao động, trong đó hầu hết là bà con người dân tộc Khmer, với mức thu nhập dao động 150.000 - 250.000 đồng/người/ngày. Sau khi trừ chi phí, ông Trải thu lời trên 1 tỷ đồng/năm.
Cũng trên địa bàn huyện Củ Chi, nhờ được đào tạo đúng nghề, nhiều hộ dân tại ấp Bình Hạ Đông (xã Thái Mỹ), đã đồng loạt cắm cọc, căng bạt nuôi cá bột. Anh Nguyễn Văn Nam, tổ 12, ấp Bình Hạ Đông, cho biết, từ khi được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật làm nghề này, đời sống người dân trong khu vực đã thay đổi. Người dân không còn phải lo nắng mưa, được mùa mất giá như trồng lúa, trồng hoa màu trước đây. Đặc biệt, nghề nuôi cá bột này không cần diện tích đất lớn, không phải đào ao thả cá, ngược lại chi phí đầu tư thấp… nên rất phù hợp với nông dân.
Với thế mạnh về đất đai trù phú, huyện Củ Chi cũng đạt nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho LĐNT, tiêu biểu trong đó có xã Tân Thông Hội. Là một xã thuần nông, bà con vốn sống dựa vào việc canh tác lúa, trồng hoa màu là chính. 10 năm trở lại đây, bà con trong xã đầu tư chăn nuôi bò sữa, cùng với đó là hàng trăm hộ tiếp tục được hỗ trợ học nghề, hướng dẫn trồng hoa lan cắt cành, tạo thành phong trào và lan tỏa rộng khắp vùng, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân.
Chương trình đào tạo nghề nông thôn thật sự đã giúp nông dân trên địa bàn xã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển mô hình kinh tế mới hiệu quả, phù hợp với nhiều đối tượng lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, việc sản xuất lúa, trồng hoa màu trở nên kém hiệu quả thì những mô hình như nuôi bò sữa, cá kiểng, trồng hoa lan mang lại giá trị kinh tế cao, là hướng đi mới cho người nông dân.
Đòn bẩy khơi dòng
Gần 10 năm trước, địa bàn huyện Cần Giờ còn trên 20% hộ nghèo. Để từng bước xóa nghèo và thực hiện Đề án 1956 ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, Đảng bộ, chính quyền huyện Cần Giờ không ngừng nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động LĐNT tham gia học nghề.
Nuôi thủy, hải sản được xem là giải pháp trọng tâm giúp người dân phát triển kinh tế. Huyện đã liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dạy nghề mở nhiều lớp, khóa học về các nghề gắn với thế mạnh của địa phương, trong đó tập trung đào tạo, đổi mới kỹ thuật nuôi tôm bằng cách trải bạt đáy ao; che lưới bên trên làm giảm nhiệt độ và hạn chế chim, cò lây lan mầm bệnh ao nuôi; nâng cấp hệ thống tạo oxy, sử dụng máy cung cấp thức ăn tự động, xi phông bùn hữu cơ để làm sạch đáy ao…
Nhờ áp dụng công nghệ, nông dân Cần Giờ đã có thể nâng cao mật độ nuôi tôm lên trên 100 con/m2, kéo dài thời gian nuôi hơn 4 tháng, giúp kích cỡ tôm thu hoạch lớn hơn, năng suất trên 20 tấn/ha (gấp đôi năng suất so với các hộ không áp dụng công nghệ mới). Hiệu quả kinh tế mang lại ước tính lợi nhuận bình quân đạt gần 1,5 tỷ đồng/ha/vụ.
Với các hộ dân tại những khu vực nhiều kênh rạch, sát biển như huyện Cần Giờ, Nhà Bè thì được dạy nghề nuôi thủy, hải sản như hàu, tôm, lươn, cá mú; sản xuất muối trên ruộng trải bạt…
Anh Trương Văn Bánh, một hộ nuôi hàu lớn trên địa bàn xã Long Hòa (Cần Giờ), nhớ lại, năm 2012, gia đình anh chỉ có 1ha nuôi hàu, sản lượng không cao. Sau đó, nhờ tiếp cận nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới và tham gia các khóa học về nuôi hàu do huyện Cần Giờ tổ chức, anh đã mạnh dạn mở rộng sản xuất; đến nay gia đình đã có 12ha nuôi hàu, thu nhập ròng hơn 500 triệu đồng/năm. Còn trang trại của ông Huỳnh Văn Mãnh có diện tích 7.000m2, bình quân mỗi ô nuôi cá mú 1.000m2. Với giá thành gần 300 triệu đồng/tấn cá, bình quân ông Mãnh thu về gần 3 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, nhấn mạnh: “Đề án 1956 thực sự là đòn bẩy khơi dòng, giúp LĐNT của thành phố có việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ổn định, vững chắc. 10 năm qua, thành phố đã đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho 89.808 LĐNT tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Riêng số LĐNT qua đào tạo chuyên nghiệp đạt 723.895 lao động/851.791 LĐNT đang làm việc. Có 26 cơ sở GDNN (20 đơn vị công lập, 6 đơn vị ngoài công lập) được các quận, huyện đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho LĐNT”.
Cùng với đào tạo nghề nông nghiệp, những mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cũng được các địa phương chú trọng quan tâm. Trong đó, các địa phương tập trung đào tạo ngành công nghiệp trọng yếu, dịch vụ cùng 8 ngành tự do dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN (gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát, du lịch).
Đáng mừng, gần 90% số người tham gia đào tạo có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo, nhiều người trở thành những tỷ phú ở vùng nông thôn, ngoại thành thành phố. Số còn lại tự tạo hoặc tự tìm việc làm.
Thu nhập của người dân tăng gần 3 lần Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới và thực hiện Đề án 1956, thu nhập của người dân nông thôn TPHCM đã tăng lên 2,72 lần. Năm 2010, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 23,17 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 đã đạt trên 63 triệu đồng/người/năm. Việc hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho LĐNT, đến việc thành phố đầu tư mạnh vào giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, vốn vay… đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. |