Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh yêu cầu cần xây dựng một nền ngoại giao toàn diện hiện đại, mang “bản sắc cây tre Việt Nam”. Nói về ngoại giao Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đúc kết: Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam. Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác đối ngoại đã nêu bật tinh thần và đường lối ngoại giao này.
Đặc điểm nổi trội của cây tre là dẻo dai, giàu sức sống, dễ thích nghi với môi trường. Mỗi bụi tre đều toát lên hình ảnh phát triển, tre già măng mọc. Gốc tre vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường trước bão tố, trước thời tiết khắc nghiệt. Hình ảnh cây tre chính là hiện thân của dân tộc Việt Nam. Dùng hình ảnh cây tre Việt Nam để làm biểu tượng, bản sắc ngoại giao Việt Nam là bởi cây tre có “gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển”. “Gốc vững” chính là thực lực của ta. “Thân vững” chính là lợi ích quốc gia dân tộc. “Cành uyển chuyển” là cách thức mà chúng ta ứng xử trong ngoại giao.
Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh và đúc kết là phải dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất. Nghĩa là đừng để cho chiến tranh, mọi sự căng thẳng đến “ngõ” nhà mình mới bắt đầu hành động. Mà phải hành động từ sớm đi, chuẩn bị trước đi, để ngăn ngừa chiến tranh. Cho nên, “lằn ranh đỏ” đó, nước nào cũng xác định, không bao giờ để nguy cơ hoặc “đám mây” chiến tranh tiến gần. Vì vậy, vai trò của đối ngoại, vai trò tiên phong của đối ngoại càng rõ nét. Vai trò bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa càng rõ nét.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay, chúng ta thấy có sự phân chia thành các giai đoạn mà trong các giai đoạn ấy ngoại giao Việt Nam đều thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình. Đơn cử, giai đoạn từ năm 1945 - 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, đó là “những năm tháng không thể nào quên” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét. Vận mệnh đất nước lúc đó như “ngàn cân treo sợi tóc”, bất cứ lúc nào cũng có thể rơi. Vì vậy, ngoại giao lúc đó có vai trò vô cùng quan trọng. Đấy là nhân nhượng có nguyên tắc.
Đến giai đoạn từ 1946 - 1954, trong lúc quan hệ quốc tế rất phức tạp, thậm chí thế giới trên bờ vực của một cuộc chiến tranh, trong bối cảnh đó, Hội nghị Genève đã diễn ra. Ở Hội nghị này, chúng ta ngoài việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đã đưa ra được một giải pháp chính trị. Hội nghị Genève do 4 nước lớn triệu tập. Chúng ta ở vào thế phải chấp nhận hội nghị này. Chúng ta đàm phán trong tư thế cả 4 nước lớn này đều sử dụng phương pháp ngoại giao của họ, đảm bảo lợi ích của họ. Vì thế, ngoại giao Việt Nam trong Hội nghị Genève chính là biết kết thúc chiến tranh một cách thuận lợi nhất cho mình, trong bối cảnh các nước lớn chủ động triệu tập hội nghị và tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán.
Đến Hội nghị Paris (năm 1973), chúng ta rút kinh nghiệm và chủ động tìm đúng thời điểm để tiến hành đàm phán với Mỹ. Các cuộc đàm phán ở Paris, mục tiêu chúng ta đưa ra không phải là đánh đuổi hẳn đế quốc Mỹ, mà đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải rút quân, còn quân đội của chúng ta vẫn ở tại chỗ. Cho nên ngoại giao ở hội nghị này trở thành một mặt trận chiến lược, ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trị, mặt trận quân sự để kết thúc chiến tranh, trong một thế có lợi nhất. Từ đây, một bàn đạp được tạo ra để 2 năm sau, chúng ta có đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Hiện nay, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ giai đoạn này khác với giai đoạn trước đây. Điểm nữa là trong quan hệ quốc tế, chúng ta thấy luôn luôn có cọ xát, có tranh chấp nhưng phải giải quyết những vấn đề đó bằng biện pháp hòa bình. Đó là nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế. Khi chúng ta triển khai đường lối đối ngoại, "ngoại giao cây tre" có thể được hiểu là phải luôn luôn ứng biến linh hoạt phù hợp với tình hình. Điều này thể hiện rõ nét trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ vào tháng 7-2015, với cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Cuối tháng 10, đầu tháng 11-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 9-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và hội đàm với ông chủ Nhà Trắng tại trụ sở Trung ương Đảng, một điều cũng chưa từng có tiền lệ. Cũng trong năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Tháng 6-2024 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như hiện nay, các cường quốc đang cạnh tranh nhau rất gay gắt, theo đuổi những quan điểm và chính sách rất khác nhau, giữa những mối quan hệ phức tạp như vậy, Việt Nam có quan hệ tốt và mời được lãnh đạo cả ba nước lớn đến thăm là một thành công về công tác đối ngoại và điều này cũng thể hiện rõ nhất bản sắc của “ngoại giao cây tre Việt Nam”, mà trong đó có vai trò và dấu ấn nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
PGS-TS DƯƠNG VĂN QUẢNG, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao