Xây dựng thế trận lòng dân
Để đi tới ngày toàn thắng, Sài Gòn - Gia Định đã kiên cường đi đầu chống các chiến lược chiến tranh của Mỹ và tay sai. Khi Mỹ và chính quyền tay sai thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, ngay giữa trung tâm đầu não của địch, quân và dân Sài Gòn - Gia Định, nhất là Biệt động thành, đã mở những cuộc tiến công vào nhiều mục tiêu trọng yếu của địch.
Trong “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã đánh bại những cuộc phản công quy mô lớn của lực lượng quân viễn chinh Mỹ trong liên tiếp hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với sự chuẩn bị từ trước, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã đánh thẳng vào các mục tiêu trọng yếu của địch trong nội thành, trong đó có Đại sứ quán Mỹ. Cuộc tổng tiến công này, với những đòn đánh vào sào huyệt của địch, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán ở Paris.
Thất bại trong “Việt Nam hóa chiến tranh”, đặc biệt sau trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút quân viễn chinh về nước. Mỹ cút, ngụy nhất định sẽ nhào! Cả Sài Gòn - Gia Định sục sôi khí thế đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Paris, chống càn quét, lấn chiếm. Phong trào ở đây phát triển mạnh, buộc chính quyền Sài Gòn phải lo giữ các cơ quan đầu não.
Như vậy, quá trình đấu tranh của Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định trong suốt cuộc kháng chiến đã góp phần tạo nên đội quân chính trị rộng lớn, xây dựng và phát triển được lực lượng vũ trang tinh nhuệ, giữ vững thế trận của chiến tranh nhân dân, đặc biệt là thế trận lòng dân, sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền khi thời cơ đến.
Chuẩn bị toàn diện, đẩy mạnh chiến tranh du kích
Ngày 13-8-1974, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về một số công tác cần kíp trước mắt, trong đó có nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam. Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã họp hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị. Hội nghị nhận định: “Tình hình hiện nay đang có những chuyển biến mới, nhanh và đang tạo ra tình thế cách mạng ở đô thị. Đô thị Sài Gòn - Gia Định là chiến trường quyết chiến chiến lược cuối cùng ở miền Nam Việt Nam”. Thành ủy đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng nội đô và ven đô; yêu cầu toàn Đảng bộ phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao, chống mọi tư tưởng ngại khó, chần chừ, co thủ. Về mặt tổ chức, Thành ủy được chia làm hai cánh: cánh A phụ trách đô thị, cánh B phụ trách nông thôn. Cả hai cánh đã khẩn trương phổ biến Nghị quyết của Thành ủy, chuẩn bị lực lượng, tăng cường đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh ba mũi giáp công, mở rộng xây dựng căn cứ Củ Chi và các căn cứ lõm trong nội thành. Lực lượng An ninh T4 cũng tổ chức thành hai bộ phận hoạt động ở nội thành và ngoại thành.
Từ cuối năm 1974, Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập Trung đoàn Quyết thắng; lực lượng vũ trang nội đô được củng cố gồm các đội biệt động, đặc công, các lực lượng vũ trang và bán vũ trang của Thành đoàn, Công vận, Phụ vận, Hoa vận, Tuyên huấn… Phối hợp với chiến trường chung, các lực lượng vũ trang của Thành đội đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá “ấp chiến lược”, đường giao thông của địch, tổ chức tuyên truyền vũ trang, diệt ác, phá kìm ở vùng ven thành phố.
Đến tổng tiến công và nổi dậy
Thành ủy lãnh đạo đẩy mạnh cao trào đấu tranh chính trị. Ở nội đô, Ban Công vận phát động nhiều cuộc đấu tranh của công nhân; thành lập Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động do Linh mục Phan Khắc Từ làm chủ tịch. Phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh mẽ, với những cuộc mít tinh, xuống đường. Ngày 25-1-1975, 18 đoàn thể chính trị ký chung một bản kiến nghị đòi Mỹ chấm dứt viện trợ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 1-2-1975, 23 tổ chức công bố chung một bản cáo trạng, tố cáo ông Thiệu là sản phẩm của chiến tranh, đòi ông Thiệu phải từ chức.
Sau những diễn biến mau lẹ trên chiến trường, ngày 6-4-1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh giải phóng Sài Gòn. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Tư lệnh chiến dịch về việc để chiến dịch mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định là: chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền; lực lượng vũ trang hỗ trợ quần chúng nổi dậy, chiếm giữ các cầu trọng yếu, khống chế các trận địa pháo, sân bay của địch, chiếm các bàn đạp và dẫn đường cho bộ đội chủ lực. Tạo mọi điều kiện cần thiết cho các binh đoàn chủ lực tập kết, triển khai lực lượng; bảo đảm hậu cần tại chỗ cho chiến dịch.
Ngày 12-4-1975, Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định ra chỉ thị hướng dẫn các cấp Đảng bộ những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng với tinh thần “Thời cơ 20 năm chỉ có một lần!”. Cùng với các mũi tiến công của bộ đội chủ lực, các cuộc tiến công của lực lượng vũ trang và nổi dậy của quần chúng nhân dân đã làm tan rã chính quyền Sài Gòn, xây dựng chính quyền cách mạng. Lực lượng công nhân và các tầng lớp nhân dân đã giữ gìn, bảo vệ các cơ sở sản xuất, không để xảy ra cướp bóc, phá hoại. Sáng 30-4-1975, toàn thành phố đã có 107 điểm nổi dậy và đến trưa 30-4-1975, cờ sao tung bay trên khắp phố phường cho tới khi cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đó là sự kết hợp thành công, đúng đắn của tổng tiến công và nổi dậy. Đảng lãnh đạo đúng, quần chúng nổi dậy mạnh mẽ, kịp thời, lực lượng vũ trang tiến công quyết đoán, sắc bén. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhận xét: “Do kết hợp đúng đắn và tuyệt đẹp giữa tổng tiến công và nổi dậy của quần chúng, chúng ta đã giải phóng và tiếp quản thành phố gần như nguyên vẹn”. Đây cũng là bài học lớn nhất về giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và phát huy sức mạnh toàn dân.