Trong chuỗi ngày hội, mỗi ngày đều có các hoạt động đặc sắc, đa dạng, mang ý nghĩa phát triển thói quen đọc sách trong cộng đồng và giới thiệu những ý tưởng mới lạ cổ vũ, phát huy tính sáng tạo kết nối giữa phương thức đọc truyền thống và hiện đại.
Hiện đại và truyền thống giao hòa
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I còn có không gian văn hóa Thành phố sách được tổ chức trên toàn tuyến Nguyễn Huệ với chủ đề “Sách và Chuyển đổi số” với nhiều hoạt động như tương tác, trải nghiệm các mô hình sách nói, sách điện tử, những mô hình, giải pháp, không gian trải nghiệm về sách (sách nói, sách điện tử, sách 3D thực tế ảo…) gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo và những mô hình, giải pháp hay về ứng dụng chuyển đổi số gắn với ngành xuất bản như: hệ thống thư viện số (thư viện sách nói), công cụ hỗ trợ rà soát, biên tập dành cho ngành xuất bản bằng giọng nói… nhằm giới thiệu đến với người dân thành phố.
Nổi bật ở trung tâm phố đi bộ Nguyễn Huệ là Booth Thư viện thông minh. Booth được đặt để phục vụ bạn đọc với mọi nhu cầu khác nhau từ sách in, sách điện tử đến sách nói xuyên suốt thời gian diễn ra ngày hội. Với 200 tựa sách Hạt giống tâm hồn được trưng bày tại Booth thư viện thông minh, bạn đọc sẽ có nhiều sự lựa chọn và đặc biệt được trải nghiệm không gian đọc sách thông minh, có thể mượn và trả sách với thao tác bằng App trên điện thoại.
Phá bỏ rào cản để phát triển sách nói
Sách nói cũng đem đến những trải nghiệm thú vị dành cho bạn đọc và du khách trong tuần lễ hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần này. “Bức tường thế giới âm thanh” thể hiện nội dung tác phẩm qua những hình ảnh sinh động khi nghe sách nói. Ngoài ra, giọng đọc là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cho một tác phẩm sách nói. Do đó, trong khuôn khổ hoạt động lần này, bạn đọc, du khách được giao lưu cùng các giọng đọc nổi tiếng, trải nghiệm nghe sách nói miễn phí cùng Voiz FM.
Tuy vậy, việc phát triển văn hóa đọc cộng đồng đi cùng sách nói cũng sẽ đòi hỏi nhiều thử thách. Trước lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I, một chương trình tọa đàm quy mô nhỏ với chủ đề “Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồng” đã được diễn ra, với sự tham dự của ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; ông Trần Đại Chính, Chủ tịch Hội liên hiệp Thư viện miền Đông Nam bộ và ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành ứng dụng Sách nói Voiz FM.
Tiếp theo là phát triển nhân lực để thay đổi diện mạo ngày hôm nay. Ông Nguyên đánh giá: “Ở Việt Nam, 21% dân số đọc sách (tương đương 21 triệu người), nhưng nếu nhìn chiều còn lại, đây là thị trường tiềm năng và cần phát triển hơn nữa. Bởi vì còn một thị trường gần 80 triệu người chưa được phục vụ nếu chúng ta làm được, cần biến những rào cản thành cơ hội. Chúng ta cần nhìn mặt đầy đủ, toàn diện để từ đó chúng ta giải quyết chứ không phải quay đầu lại”.
Ông Trần Đại Chính đề xuất: “Tôi tin rằng, chúng ta cần đi vào mảng thư viện công cộng, soi đường cho người dân. Qua buổi tọa đàm, với cơ hội gặp anh Nguyễn Nguyên, tôi kiến nghị nên tham mưu với sự phối hợp giữa hai Bộ (Bộ TT-TT và Bộ Khoa học Công nghệ), có một chương trình phối hợp giai đoạn 5 năm, có chính sách cho các doanh nghiệp thiết thực”.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đồng tình với kiến nghị đó, ông Nguyên tin rằng có thể hỗ trợ thư viện để lan tỏa giá trị văn hóa đọc.