Trong 20 năm qua, nước Nga góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển thế giới đa cực khi hợp tác với tất cả các láng giềng theo định hướng lợi ích quốc gia và chủ động tham gia trong các chương trình nghị sự toàn cầu. Vai trò và vị thế của nước Nga ngày càng được nâng cao qua nhiều sự kiện quốc tế, từ giải quyết xung đột tại các điểm nóng thế giới đến việc tổ chức thành công World Cup 2018.
Dưới thời của Tổng thống Putin, sự hình thành chính sách châu Á của Nga trở nên rõ nét, với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN - khu vực có thị trường lớn và đang phát triển.
Quan hệ song phương và các định dạng đa phương - đặc biệt, trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS và RIC (Nga - Ấn Độ - Trung Quốc) đã tạo ra các điều kiện, theo đó Nga có thể duy trì trạng thái cân bằng với các nước mạnh hơn hoặc các nước tiên tiến hơn và bảo vệ lợi ích của mình ít nhiều có hiệu quả. Nga còn hiện diện ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh qua việc hợp tác toàn diện về quân sự, kinh tế, văn hóa, hỗ trợ nhân đạo.
Tiếp quản cương vị tổng thống vào thời điểm nước Nga đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường, bằng tầm nhìn của một nhà cải cách và sự quyết đoán của một nhà lãnh đạo cứng rắn, Tổng thống Putin đã vực dậy nền kinh tế Nga. Trong giai đoạn đầu cầm quyền, ông đã phát động cuộc chiến nhằm vào các nhà tài phiệt chi phối nước Nga, chỉ biết làm lợi cho bản thân. Việc quốc hữu hóa một phần lớn của ngành công nghiệp dầu mỏ vào giữa những năm 2000 đã đặt nền tảng cho một chính sách năng lượng phối hợp.
Khi nước Nga bị Mỹ và phương Tây cấm vận năm 2014, chính quyền của Tổng thống Putin buộc phải thực hiện chính sách kinh tế trong điều kiện đặc biệt. Hàng loạt chính sách hiệu quả đã giúp nước Nga vượt cấm vận trong bối cảnh khó khăn. Chính việc tương kế tựu kế thành công ấy đã giúp nước Nga có một nền kinh tế “nhỏ về quy mô nhưng mạnh về tiềm lực”. Nền kinh tế Nga đã có thể chống lại các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Ngày nay, đa số người dân Nga vẫn coi Tổng thống Vladimir Putin là người vực dậy đất nước sau sự sụp đổ của Liên Xô và là người bảo đảm cho sự ổn định của nước Nga sau này.
Hiện nhà lãnh đạo Nga vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao thu nhập thực tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, môi trường sinh thái... Tháng 3 năm nay, nước Nga phải đối mặt với cú sốc kép khi giá dầu giảm mạnh và dịch Covid-19. Giá dầu giảm cũng gây áp lực giảm giá đối với đồng rouble của Nga, từ đó, làm gia tăng rủi ro đối với nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước Nga sẽ vượt qua khó khăn trước mắt do cơn bão kinh tế xuất phát từ tranh cãi về dầu mỏ với Saudi Arabia. Ông Putin nhấn mạnh nước Nga đã sẵn sàng cho mọi cuộc cạnh tranh khó khăn hơn và điều này sẽ tác động đến nền kinh tế Nga theo hướng tích cực.