Đất “vàng” bên sông Hương khó kêu gọi đầu tư vì “vướng” cơ chế

Đó là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Hội thảo đào tạo, tập huấn công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thừa Thiên Huế do UBND tỉnh này phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 15-6, tại TP Huế.

Theo tìm hiểu, kể từ đầu năm 2022, các cơ quan nhà nước đóng bên trục đường Lê Lợi, TP Huế, trước mặt là sông Hương, đoạn từ đường Bà Huyện Thanh Quan đến Hoàng Hoa Thám, TP Huế đã di dời nơi làm việc, nhường vị trí đất "vàng" khoảng 10.000m² để tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư xây dựng khu thương mại, dịch vụ.

Các công trình bị bỏ hoang bên sông Hương bắt đầu xuống cấp

Các công trình bị bỏ hoang bên sông Hương bắt đầu xuống cấp

Dọc đường Lê Lợi tại vị trí nói trên, hiện có rất nhiều trụ sở cũ của các Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Y tế và Sở KH-CN của tỉnh này rơi vào trạng bỏ hoang, nhếch nhác, rác thải với nhiều thể loại được vứt bừa bãi trong khuôn viên. Các hạng mục của các trụ sở này hư hỏng và xuống cấp gây lãng phí.

Trong số đó, "xót xa" nhất là trụ sở cũ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tại số 26 Lê Lợi, TP Huế. Đây là công trình mang kiến trúc thời Pháp thuộc, có sự giao thoa với kiến trúc bản địa, là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi đẹp nhất TP Huế. Ngôi biệt thự này từng sửa chữa vào năm 2000, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu.

Không chỉ giá trị kiến trúc, công trình này còn là "mái nhà văn nghệ" của Huế và cả nước, nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm của các thế hệ văn nghệ sĩ Huế và các nghệ sĩ tài danh ghé Huế.

Các sự kiện quan trọng của văn nghệ Huế trong hơn 40 năm qua đều diễn ra tại đây, cùng với hàng ngàn cuộc triển lãm, ra mắt tác phẩm, hội thảo, diễn thuyết... Tuy nhiên, kể từ khi trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế di dời về số 1 Phan Bội Châu, TP Huế thì công trình này dần xuống cấp, khiến nhiều người bất bình.

Trụ sở cũ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tại số 26 Lê Lợi, TP Huế
Trụ sở cũ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tại số 26 Lê Lợi, TP Huế

Tại hội thảo, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này chia sẻ, vị trí các cơ quan nhà nước đóng bên trục đường Lê Lợi, TP Huế sau khi di dời nơi làm việc được tỉnh quy hoạch là khu thương mại, dịch vụ để kêu gọi đầu tư.

Tuy nhiên, các công trình này hiện còn sử dụng được nên theo quy định phải tổ chức bán đấu giá theo cơ chế tài sản công. Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư sau khi trúng đấu thầu phải trả một lần tiền đấu giá các trụ sở cũ, rồi tiến hành đập bỏ các trụ sở này để xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp, dẫn tới tốn thêm khoản chi phí khá cao. Mặt khác, đây là các khu đất lớn, nhà đầu tư phải trả tiền một lần nên có khả năng ảnh hưởng đến số vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế.

“Khu vực này quy hoạch là thương mại, dịch vụ thì đáng ra phải cho phép thanh lý tài sản trên đất, xong rồi cho thuê đất, đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai. Khi đó, nhà đầu tư mới có điều kiện để tiếp cận được. Còn bây giờ, theo cơ chế hiện hành, nhà đầu tư trúng thầu phải trả tiền một lần. Mua xong phải đập bỏ các trụ sở, rồi lại tốn công chở đi đổ, vứt. Điều này đã ảnh hưởng đến số vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế nên khó có thể kêu gọi đầu tư’, ông Phương nhìn nhận.

Tin cùng chuyên mục