Hôm nay, tôi rất vui và xúc động khi được cùng quý thầy giáo, cô giáo và các em học sinh dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Giải thưởng Võ Trường Toản và trao giải lần thứ 20 năm 2017. Buổi lễ của chúng ta hôm nay càng thêm ý nghĩa vì diễn ra đúng dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 _ 20-11-2017). Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi trân trọng gửi lời cám ơn chân thành và lời chào nồng nhiệt nhất đến gần 80.000 thầy giáo, cô giáo ở khắp các quận, huyện trong toàn TPHCM. Chúc quý thầy giáo, cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều niềm vui và ngày càng có nhiều sáng kiến, cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang của mình.
Dân tộc ta có truyền thống hiếu học. Học đạo lý làm người, học làm con, học làm cha mẹ, học làm công dân trách nhiệm; học để sống tốt, có ích cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Với các bậc cha mẹ, đầu tư cho con cái ăn học thành tài luôn là mong muốn lớn nhất. Cũng vì lẽ đó, “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Tôn vinh thầy giáo, cô giáo chính là tôn vinh một đội ngũ trí thức ở vị trí cao trong xã hội, giàu lòng nhân ái, sống mẫu mực và trong sáng.
Giải thưởng khởi đầu chỉ trao cho 15 thầy giáo, cô giáo năm 1998, đến năm nay đã có 576 thầy giáo, cô giáo được tôn vinh. Tôi xin chúc mừng và trân trọng cảm ơn quý thầy giáo, cô giáo đã hết lòng vì học sinh thân yêu, cống hiến công sức, trí tuệ và tâm huyết của mình để đào tạo biết bao thế hệ công dân cho thành phố và đất nước.
Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 20 năm nay diễn ra vào dịp cả nước hân hoan kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam - một dấu mốc rất đáng nhớ, rất đáng tự hào. Hôm nay, trong buổi lễ trang trọng, vui tươi và ấm cúng này, cho phép tôi được bày tỏ những cảm xúc chân thành và mong muốn được lắng nghe những suy nghĩ, đề xuất từ quý thầy giáo, cô giáo, quý đại biểu và các em học sinh.
Chúng ta rất vui mừng với sự phát triển không ngừng của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố những năm qua. Quý thầy giáo, cô giáo đã thực sự là những tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, những chiến sĩ tiên phong trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình hành động số 46 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, theo đó ngành giáo dục phải tiếp tục thi đua Dạy tốt, Học tốt và Quản lý tốt.
Tâm huyết, trách nhiệm xã hội, ý chí vươn lên và trình độ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.
Đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới kiểm tra - đánh giá theo hướng phát triển năng lực cá nhân, chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu; tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế; phát huy thật sự dân chủ trong nhà trường… đã tạo nên những chuyển biến đáng ghi nhận. Tôi đề nghị chúng ta trân trọng biểu dương những nỗ lực của quý thầy giáo, cô giáo và toàn ngành giáo dục của chúng ta.
TPHCM là một đô thị đặc biệt, thành phố đi đầu về nhiều mặt, song cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh đó, sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố rất cần nguồn nhân lực trẻ, giàu lòng yêu nước, thấm đậm văn hóa dân tộc, có nền tảng tri thức, năng lực nghề nghiệp cao, ý chí khát vọng vươn lên. Lãnh đạo và người dân thành phố đặt trọn niềm tin vào đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo thành phố với truyền thống tích cực đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm sẽ tiếp tục cống hiến, đào tạo những công dân trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng thành phố thông minh, có chất lượng sống tốt.
Mọi tài nguyên đều sẽ cạn kiệt, chỉ có tri thức là tái sinh và phát triển thông qua giáo dục và hành động của con người. Nhờ có giáo dục mà tri thức và kinh nghiệm hàng ngàn năm của loài người sẽ trở thành tài sản của từng người thông qua 10 - 15 năm học tập. Sự phát triển vũ bão của tri thức và khoa học công nghệ ngày nay đòi hỏi quá trình học và tự học ngày càng phải hiệu quả hơn. Cách đây 270 năm, khi giảng cho học trò về Sách Đại học - một sách trong Tứ thư - Thầy Võ Trường Toản đã nói: “Sách Đại học 1.700 chữ, tán ra vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa chỉ còn một chữ, tóm lại nữa một chữ cũng không”. Ý dạy của Thầy là: Cần thấu hiểu nội dung chính của sách, không học vẹt câu chữ.
Khi thầy Võ Trường Toản mất (27-7-1792), Chúa Nguyễn thương tiếc có câu đối tưởng niệm: “Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử. Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong, giả bất vong” (Lúc sống dạy dỗ người thành tài, không có con mà như có. Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan, danh vẫn còn).
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra nhiệm vụ cho ngành Giáo dục và Đào tạo: “Phấn đấu đến năm 2020, hệ thống giáo dục - đào tạo thành phố được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc…”. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giáo dục, tôi cho rằng trong thời gian tới thành phố phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó, đặc biệt quan tâm đến chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Hôm nay, chúng ta vinh dự được đón nhiều thầy cô giáo đã nhận Giải thưởng Võ Trường Toản trong 20 năm qua. Tôi tin rằng các thầy giáo, cô giáo dù đã nghỉ hưu, nhưng luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, luôn dõi theo các học sinh đã trưởng thành và chắc chắn quý thầy cô giáo cũng luôn mong mỏi ngành giáo dục và đào tạo thành phố có những đổi thay tốt đẹp hơn, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Quý thầy cô chắc như tôi rất vui mừng trước kết quả hôm nay chúng ta có thêm 40 thầy giáo, cô giáo nhận Giải thưởng Võ Trường Toản. Đó là những gương mặt tiêu biểu trong đội ngũ giáo viên thành phố đã và đang tiếp tục thắp sáng ngọn lửa truyền thống hết lòng vì học sinh thân yêu. Trân trọng chúc mừng các thầy cô!
Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi biểu dương sáng kiến của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở Giáo dục và Đào tạo, cám ơn Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam đã đồng hành cùng Giải thưởng Võ Trường Toản suốt 20 năm qua. Giải thưởng đã góp phần tích cực động viên những đóng góp đầy tâm huyết của các thầy giáo, cô giáo. Mong rằng Giải thưởng Võ Trường Toản sẽ ngày càng phát triển, lan tỏa rộng hơn, xa hơn; là nguồn khích lệ, tôn vinh những giáo viên xứng đáng trong sự nghiệp trồng người.
Một lần nữa, xin trân trọng chúc mừng gần 80.000 quý thầy giáo, cô giáo và viên chức ngành giáo dục thành phố nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Cảm ơn quý thầy giáo, cô giáo, những người đã đóng góp bền bỉ, cống hiến và hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng và quý báu đối với sự phát triển của thành phố. Xin chúc mừng và biểu dương 40 thầy giáo, cô giáo nhận Giải thưởng Võ Trường Toản hôm nay.
Xin gửi đến quý thầy giáo, cô giáo, quý vị đại biểu và các em học sinh lời chúc mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc.