Thơ Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn tuân thủ khuôn phép vần điệu, nhưng không sa lầy vào sự bóng bẩy, mà theo đuổi những suy tư. Ông suy tư ngoại cảnh: “Sông Hồng nức nở đau bờ cũ/ Thương một cánh buồm gió bủa vây”, và ông suy tư nội tâm: “Một đêm dài buồn nhất/ Tước đoạt cả giấc mơ/ Một cơn gió ngây thơ/ Mang mùi hương đi hết”.
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, hiện giờ định cư ở TPHCM. Hành trang của ông là bồi hồi mây gió cố hương: “Lá vàng lay lắt mùa thu/ Tiếng ve tắt ngấm hình như sang mùa” và bịn rịn ơn nghĩa xưa cũ: “Một tiếng chim lạc đàn/ Rừng thông già ngái ngủ/ Ai đánh rơi ký ức/ Chiều vàng tự nhiên thu”. Gắn bó cùng đô thị phương Nam những ngày căng thẳng chống dịch Covid-19, ông có được những câu thơ chia sẻ: “Người nhìn ta: Đề phòng/ Ta nhìn người: Cảnh giác/ Ta nghĩ ta: Nạn nhân/ Người nghĩ ta: Thủ phạm/ Đúng, sai: Xin miễn bàn/ Chỉ tại con Covid/ Đúng sai: Không cần biết/ Giữa hai lần khẩu trang”.
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo nhập cuộc sáng tác khi đã quá tuổi tri thiên mệnh, nhưng ông chịu khó tìm tòi để khước từ những câu chữ đong đưa dễ dãi. Ông tự soi rọi buồn vui chính mình, để chiêm nghiệm nhân gian: “Sinh lão rồi bệnh tử/ Chuyện bình thường quanh ta/ Cũng như những loài hoa/ Nở và rồi tàn úa/ Chỉ duy một cái bóng/ Lúc nào cũng bên ta”.
Đất trời từng giấc chiêm bao là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo. Ông dự phần đời sống thi ca một cách nhẹ nhàng và tích cực “Một ngày không thể vô tình/ Một ngày không dễ lặng thinh một mình”. Và ông dành dụm cảm xúc để gửi gắm cho độc giả không ít âu lo lương thiện: “Một người đang đi/ Thấy nhớ nước mắt/ Một người đang về/ Thấy nhớ nụ cười”.