1. Trong thành phố cũng không còn nhiều tiệm sửa giày lâu năm. Một vài tiệm ở đường Lê Thánh Tôn (quận 1), đường Hồ Xuân Hương (quận 3) và đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận) và phần lớn là mấy quầy sửa giày ở các ngôi chợ tương đối lớn. Nghề cắt gọt từng miếng da, tỉ mỉ từng đường keo, mũi chỉ… chăm chút, cẩn thận là vậy nhưng người thợ sửa giày chủ yếu ngồi một góc lề đường, hay ngồi ké cùng với những tiệm bán hàng hóa khác, đủ để ngồi và một giỏ nhỏ đựng đồ nghề. Nghề sửa giày đơn giản, dễ chịu là ở chỗ đó, không cần cửa tiệm hay bảng hiệu rầm rộ, khách sửa lâu ngày thành mối quen, có nhu cầu lại ra góc đường, con hẻm mà tìm.
“Có phải mình không đủ tiền mua đôi giày mới đâu, nhưng đôi giày này là của ông chú ruột tặng, giờ ổng với gia đình định cư nước ngoài hết rồi. Hư hao chỗ nào thì sửa chỗ đó chứ không nỡ bỏ, đồ kỷ niệm mà”, anh Thanh Hoàng (ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ.
Gọi nghề sửa giày là nghề lưu giữ kỷ niệm cũng không sai, bởi không riêng gì anh Hoàng, nhiều người sửa lại những đôi giày cũ vì một kỷ niệm nào đó gắn liền với nó. “Có người mang đôi giày tiền triệu đó chứ, mà vẫn giữ đôi giày cũ, lâu lâu đem ra tân trang, chỉnh sửa lại. Tui hỏi, người ta nói đồ kỷ niệm nên quý lắm”, anh Hoàng Đạt, thợ sửa giày góc đường Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng, cho hay.
Góc sửa giày nhỏ của anh Hoàng Đạt
Nghề sửa giày luôn chiều theo ý của từng vị khách, chăm chút từng bộ phận nhỏ nhất trên đôi giày. Việc sửa giày thường kiêm luôn đánh giày. Người tới sửa cái quai, cái khóa, hay gia cố thêm cái đế cho chắc chắn. Cũng có người tới đánh lại đôi giày da cho bóng loáng để đi dự tiệc. Nhiều người vẫn nghĩ, cái gì cũ hay hư thì mới đem đi sửa hay làm mới, nhưng với việc sửa giày thì không hẳn là như vậy. Vừa nhận đôi giày cao gót 7 phân của khách mới mua, lớp da mới còn bóng loáng, trắng tinh, nhưng khách yêu cầu bóp lại chiếc bên phải nhỏ hơn một chút và gia cố thêm phần da ở gót để mang không đau chân, anh Đạt giải thích: “Nhiều người cấu trúc bàn chân không đều nhau, bên lớn bên nhỏ nên mua giày mới là phải bóp lại một bên thì mang mới vừa. Nhất là mấy đôi giày cao gót, phải vừa vặn thì đi mới đẹp và không đau chân”.
Không cửa tiệm, không bảng hiệu, chỉ một chỗ ngồi nhỏ trên góc đường Lê Thánh Tôn - Pasteur (quận 1) nhưng chỗ sửa giày của anh Nguyễn Hữu Văn được nhiều người truyền tai nhau là khéo có tiếng nhất, nhì trong thành phố. Khách quen của anh Văn có nhiều người nổi tiếng. Đôi bàn tay bám đầy vết xi đánh giày lên cả cổ tay, thoăn thoắt từng đường kim để kịp giao giày vào buổi chiều cho khách, anh Hữu Văn kể: “Nghề này do ông già để lại, hồi mới chập chững làm, mấy mối khách quen là nghệ sĩ đi đôi giày cả mấy triệu bạc, mình cầm sửa mà cũng hồi hộp, sợ hư thì không có tiền đền. Làm riết rồi thành quen, tay nghề cũng lên nên giờ khách đem tới đôi giày tiền triệu hay giày mua ở nước ngoài tính bằng tiền đô, mình cũng nhận hết”.
Không chỉ là một chỗ sửa giày nhỏ bên góc đường, anh Văn còn cưu mang và dạy nghề cho trẻ em nghèo. “Nghề sửa giày lai rai cũng đủ để mình kiếm sống mỗi ngày. Khách hài lòng thì cho thêm chút đỉnh cũng đủ ly cà phê, tô hủ tiếu. Dạy cho tụi nhỏ cái nghề, để có việc làm mà nuôi thân và không bị bạn bè xấu lôi kéo”, anh Văn tâm sự.
2 Nghề sửa quần áo có mặt từ lâu, thời vải vóc còn khan hiếm, đây là công việc khá thịnh hành. Còn bây giờ, chuyện mua cái áo, cái quần dễ hơn bao giờ hết, hàng trong nước, ngoài nước có đủ, đáp ứng nhu cầu mặc đẹp ngày càng cao của khách hàng. Tuy nhiên, nghề sửa quần áo vẫn có một vị trí riêng của mình. Với nhiều khách hàng khó tính, quần áo mới đôi khi vẫn phải chỉnh sửa.
Chiều ý khách từ những yêu cầu đơn giản như đóng nút quần jean, kaki, lên lai quần áo, thay dây kéo, thay cúc áo… đến những chỉnh sửa phức tạp như bóp lại phần eo, ngực áo, sửa cổ áo. “Tùy theo chất liệu và yêu cầu chỉnh sửa của khách mà tiền công cho mỗi lần sửa từ vài ba chục ngàn hay cả trăm ngàn cũng không chừng. Quần áo vải jean vừa dày, vừa cứng thì giá sửa cao hơn một chút”, chị Mỹ Linh (thợ sửa quần áo ngụ quận 8) cho hay.
Nếu nghề may yêu cầu khắt khe và độ khó ví như “làm dâu trăm họ” thì công việc sửa quần áo cũng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ không kém. “Sửa đồ cũng phải kỹ lắm, sửa theo ý khách nhưng không được làm mất đi phom ban đầu, nhất là đầm, váy. Sửa không khéo mất hết kiểu dáng là đền tiền như chơi”, chị Linh chia sẻ thêm. Còn với chị Phương Đình (chủ tiệm may và sửa quần áo trên đường Lý Chính Thắng, quận 3) chuyên sửa quần áo hàng hiệu, cho hay: “Sửa đồ hiệu cực lắm, có khi tiền công sửa chừng hơn một trăm ngàn nhưng quần của khách giá gần chục triệu. Có bữa tôi ngồi cả buổi để tháo từng đường chỉ vì sợ hư”.
Không quá đắt cũng không ế, đôi khi chỉ là sửa những thứ lặt vặt như lên lai áo, thay cúc áo, thay dây kéo… nhưng nghề sửa quần áo vẫn mang lại nguồn thu nhập tốt cho người thợ. “Khách còn nhu cầu thì mình vẫn còn làm được và kiếm sống được, nhất là cuối năm cũng kiếm được tiền bộn”, chị Linh nói thêm.
3 Và giữa lúc công nghệ bùng nổ, thiết bị ghi hình ngày càng hiện đại, nghề vẽ chân dung trở nên xa lạ giữa những kỹ thuật chụp hình tối tân. Nhưng cũng không hẳn là vậy. Có lẽ khi sống giữa nhiều thứ hiện đại, mới mẻ người ta lại thích tìm về những điều giản dị, hoài niệm. Tranh vẽ chân dung vẫn được lòng một số khách hàng nhất định và có không ít người trẻ cũng yêu thích loại tranh chì giản dị này. “Chụp hình điện thoại bây giờ cũng chụp đẹp không thua gì máy chụp hình, còn vẽ chân dung thì vẫn có nét riêng. Nhất là khi phác họa đôi mắt cho khách, phải thật có hồn và thật giống. Nói tranh chì đơn giản chứ vẽ có dễ đâu”, anh Huỳnh Tài (36 tuổi, thợ vẽ chân dung tại khu vực Đường sách TPHCM và Công viên 30-4) cho biết.
Một chỗ ngồi, giá vẽ, giấy và bút chì… là đủ để người thợ vẽ chân dung hành nghề. Khách hàng lứa tuổi nào nếu thích đều có thể ngồi lại khoảng 20 phút là có ngay bức họa chân dung. Nét bút chì mộc mạc, không màu sắc rực rỡ nhưng lại toát lên sự tỉ mỉ, chăm chút của người thợ, vẽ sao cho thật có hồn và thật giống với từng khách hàng một. “Ảnh chân dung mình có nhiều lắm, nhưng vẫn thích tranh chì vì nó được vẽ thủ công và phác họa từng nét thật nhất trên khuôn mặt. Có bao nhiêu nốt ruồi hay lúm tiền đều thể hiện ra hết”, Ngọc Anh (sinh viên năm 3, Trường Đại học Sài Gòn) hóm hỉnh chia sẻ.
Người lớn tuổi, đến với tranh chì vì một chút hoài niệm của những ngày mà máy ảnh, điện thoại còn chưa phổ biến. Còn người trẻ yêu mến tranh chì bởi sự giản dị và chân thật trong từng nét vẽ. “Nghề vẽ chân dung này cũng vô chừng lắm, cuối tuần thì khách nhiều hơn, đặc biệt là khách nước ngoài. Tiết kiệm chút thì nghề vẽ này cũng đủ sống chứ không tệ”, anh Tài cho biết thêm.
Dù ít, dù nhiều, nhưng những công việc dù nhỏ nhất cũng đóng góp vào sự đa dạng, muôn màu muôn vẻ ở thành phố này…