“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết”
Bộ NN-PTNT cho biết, tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khu vực miền Trung... 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 118 vụ (7%); diện tích rừng bị thiệt hại 910ha, giảm 394ha (30%) so với cùng kỳ 2016.
Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng 14,3 triệu ha. Năm 2016 tăng 315.826ha, độ che phủ rừng tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD.
Diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm. Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn tại một số địa phương. Còn một số địa phương vẫn cho chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật. Thậm chí có công trình thủy điện phát triển chưa được cấp phép đã phá rừng, ảnh hưởng đến sinh thái. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân mà theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là do nhận thức, chủ rừng buông lỏng, năng lực quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cấp các ngành, địa phương thiếu cương quyết trong xử lý.
Thủ tướng khẳng định, rừng sẽ thành sức mạnh kinh tế nếu biết tổ chức quản lý tốt. Một số vùng ven biển hiện cần thiết phát triển du lịch nhưng chuyển mục đích sử dụng rừng “phải được xem xét chặt chẽ và duyệt kỹ”, tuyệt đối tránh trường hợp “có dự án du lịch, sân golf là phá hết rừng đã trồng bao đời nay”.
Lấy ví dụ bán đảo Sơn Trà là lá phổi của Đà Nẵng, Thủ tướng nêu rõ, nếu để xảy ra phá rừng là không thể chấp nhận được, do vậy các cơ quan chức năng phải thanh tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các công trình thủy điện lớn đã làm hết, hiện chỉ còn thủy điện nhỏ mặc dù hiệu quả thấp nhưng phá rừng rất nhiều, đây là vấn đề các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp kiên quyết, đặc biệt là dừng hoạt động dự án thủy điện nhỏ không thực hiện trồng rừng thay thế, nhất là các dự án ở Tây Nguyên.
“Cần làm rõ trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Có một câu hỏi là chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng nhưng nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép. Cần xác định trách nhiệm của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ rừng. Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà chúng ta không biết chuyện này, liệu có tiêu cực không?”, Thủ tướng chỉ rõ.
Đề nghị xác định chế tài, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, bảo vệ rừng, Thủ tướng nêu rõ không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Có các chính sách, giải pháp mới trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, bảo đảm đời sống cho người dân sống bằng nghề rừng. Về lâu dài, phải tính bài toán kinh tế để người dân thoát nghèo, phát triển nghề bền vững từ rừng.
Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên đã có tác động tích cực; tăng giá nguyên liệu gỗ rừng trồng, người trồng rừng tăng thu nhập; kích thích sử dụng đất trống, đồi trọc để trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng; tạo động lực cho đầu tư phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp, địa phương vẫn đề nghị được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên và cho rằng, việc không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên tăng áp lực cho công tác bảo vệ rừng.
Tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên có tác động tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng. Tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên.
“Tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạo hành động nhất quán các cấp, các ngành”, Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Đặc biệt, không cải tạo rừng nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”. Khẩn trương rà soát để giao, cho thuê đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý, hoàn thành vào năm 2020 với tinh thần “rừng, đất rừng phải có chủ, có người chịu trách nhiệm”.
Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu kiện toàn các tổ chức có liên quan, nhất là lực lượng kiểm lâm. Chấm dứt tình trạng hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật. Bộ TN-MT phải chú ý đến vấn đề hợp thức hóa những “khu vực đất vàng” có rừng ở xung quanh những đô thị lớn. Bộ Công thương chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc. Dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Trường hợp đặc biệt, cấp thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhất là khu vực Tây Nguyên.