Thực tế trên đang tồn tại ở huyện Bình Chánh (TPHCM) khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn vì có đất chẳng xây được nhà, bán chẳng ai mua và hàng loạt hệ lụy tiêu cực phát sinh.
“Bao giờ cho đến tháng 10”…
Ông Nguyễn Quý Ngọc ở xã Vĩnh Lộc A có 1.591m2 đất nông nghiệp. Theo Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới do UBND huyện Bình Chánh phê duyệt tại Quyết định 14406/QĐ-UBND ngày 28-11-2014, vị trí khu đất thuộc quy hoạch chức năng đất ở nông thôn hiện hữu. Khu vực này chưa có dự án đầu tư. Cuối năm 2019, ông Ngọc làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa để bán một phần khu đất, nhằm giải quyết khó khăn kinh tế gia đình, phần còn lại chia cho các con đã lớn. Tuy nhiên, sau nhiều tháng làm hồ sơ, thực hiện các bước thủ tục, đầu tháng 3-2020, ông Ngọc nhận được phản hồi từ Phòng TN-MT huyện Bình Chánh là hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất tạm thời chưa được UBND huyện Bình Chánh giải quyết do “vướng chỉ đạo của thành phố”!
“Thật khó hiểu, hồ sơ của tôi đã đủ các điều kiện quy định trong Luật Đất đai, nguồn gốc, quá trình sử dụng rõ ràng, thực hiện nghĩa vụ - đóng thuế đầy đủ, quy hoạch sử dụng đất của địa phương đến nay không thay đổi, vẫn là đất ở. Thế nhưng, huyện cứ bảo chờ, còn chờ bao lâu thì không rõ, đến nay đã gần 4 tháng”, ông Ngọc bức xúc và cho biết không chỉ riêng gia đình ông mà ở xã Vĩnh Lộc A có hàng chục hộ dân khác cũng lâm cảnh tương tự.
Đáng chú ý hơn, tại xã Vĩnh Lộc B, rất nhiều trường hợp có đất thuộc Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới dù được UBND huyện Bình Chánh cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, tuy nhiên hiện nay không được Phòng Quản lý đô thị huyện giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng.
“Không có chỗ ở, nhiều gia đình đông con đã xây lụi (xây dựng không phép - PV) trên đất của mình. Một số người “biết điều” với địa phương thì nhà xây lên được tồn tại, nhưng cũng có gia đình tự ý xây đã bị xã cưỡng chế, đập bỏ. Bất cập trên đã khiến những hộ dân nghèo, vốn khó khăn về chỗ ở, nay lại khổ hơn”, ông Cường, một hộ dân ở xã Vĩnh Lộc B có đất được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nhưng không được cấp phép xây dựng, chia sẻ.
Kiến nghị thành phố gỡ khó khăn
Đại diện các phòng TN-MT, Quản lý đô thị, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (UBND huyện Bình Chánh) xác nhận hiện nay có hơn 20 hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng, tách thửa… của người dân có đất thuộc Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa được giải quyết, mặc dù vị trí đất được quy hoạch đất ở nông thôn.
Lý do, ngày 5-8-2019 UBND TPHCM có công văn số 3227/UBND-ĐT, chỉ đạo huyện Bình Chánh rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được huyện duyệt (năm 2014) cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng huyện Bình Chánh trước đó. Theo UBND huyện Bình Chánh, yêu cầu này không phù hợp, bởi công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch huyện Bình Chánh đã hoàn thành trên cơ sở cập nhật đầy đủ các bất cập giữa các nền quy hoạch. Đối với Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trước khi UBND huyện Bình Chánh có quyết định triển khai vào thực tế đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương trên cơ sở tham mưu của Sở QH-KT và Sở NN-PTNT.
“Theo Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ đất ở tăng hơn so với quy hoạch chung trước đây, như xã Vĩnh Lộc A tăng hơn 490ha, Vĩnh Lộc B tăng gần 300ha… Căn cứ vào đồ án này, đến nay Bình Chánh đã giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất cho rất nhiều trường hợp. Do đó, nếu điều chỉnh Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch chung, Bình Chánh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết các hồ sơ cấp phép xây dựng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất…”, đại diện lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh nói.
UBND huyện Bình Chánh cho biết, từ những bất cập trên, ngày 7-1-2020, địa phương này đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chấp thuận để huyện Bình Chánh tiếp tục áp dụng Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian chờ UBND TPHCM xem xét, hiện nay huyện Bình Chánh không giải quyết các hồ sơ hành chính (chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng, tách thửa..) không phù hợp theo quy hoạch chung của huyện.