Trái tim nghệ sĩ
NSND Trung Kiên thuộc thế hệ đầu tiên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và là lớp ca sĩ thành danh của dòng nhạc cách mạng. Ông sở hữu giọng ca nam cao ấn tượng, trình diễn thành công nhiều ca khúc như: Tình ca, Việt Nam trên đường chúng ta đi, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Chào sông Mã. Một trong những ca khúc được gắn liền với tên tuổi của ông là Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà. Sau 45 năm ra đời, ca khúc này đã được nhiều ca sĩ thể hiện, song dấu ấn của giọng ca Trung Kiên thuở ban đầu vẫn nhận được nhiều tình cảm nhất từ người nghe.
NSND Trung Kiên khi đó là Đội trưởng Đội ca Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, ông kể: “Những ngày ấy, tôi và anh Quý Dương thường túc trực ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ sáng tác nhanh và ca sĩ lên sóng phát thanh hát ngay lập tức. Thời điểm ấy, nghệ sĩ không có nhiều thời gian để chuẩn bị, luyện tập và khớp nhạc. Chúng tôi nhận các ca khúc rồi tập và hát ngay”.
Ca khúc Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà cũng vậy. Bản thu được thực hiện chỉ sau 1-2 giờ chuẩn bị.
“Lần đầu tiên hát Đất nước trọn niềm vui, tôi vô cùng xúc động. Giai điệu bài hát tươi vui, hào sảng, đầy khí thế. Giữa lúc ấy, tin thắng trận báo về từng giờ. Hội toàn thắng náo nức đất nước. Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang. Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam. Tổ quốc anh hùng… Hòa trong không khí chiến thắng thiêng liêng của đất nước, đó là một cảm xúc mạnh mẽ, khó tả...”, NSND Trung Kiên tâm sự.
Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng văn hóa nghệ thuật
Ấn tượng về chuyến lưu diễn đầu tiên khi đất nước thu về một mối, non sông liền chung một dải, đối với NSND Trung Kiên thật sâu đậm. Với ông và những nghệ sĩ đã vinh dự được tham gia đợt biểu diễn lớn tại TPHCM khi ấy, xét cả về quy mô và tầm vóc, cho tới nay ít chương trình biểu diễn nào có thể so sánh được.
Để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn ấy, hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên của các nhà hát miền Bắc, trong đó có Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, đã lên kế hoạch luyện tập từ nhiều tháng trước.
NSND Trung Kiên nhớ lại: “Đoàn văn nghệ sĩ khoảng 150 người đã nhận lệnh vào Nam bằng đường thủy, hành trình dài nhưng chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi bởi đã luyện tập và chờ đợi cho ngày này quá lâu. Tâm trạng lúc đó vừa háo hức, hồi hộp vừa xen lẫn lo lắng”.
Ngay trong buổi đầu tiên công diễn, khán giả Sài Gòn - TPHCM và cả nhiều ký giả quốc tế cũng phải ngỡ ngàng, bởi họ không thể nghĩ rằng miền Bắc sau nhiều năm chiến tranh với bao khó khăn lại có thể tổ chức được một chương trình nghệ thuật phong phú và ý nghĩa như vậy.
“Giới làm văn hóa gọi đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng văn hóa nghệ thuật. Lúc đó, từ người dân đến báo chí nước ngoài còn ở lại thành phố không hiểu tại sao chúng ta lại có thể có được một nền văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa ấn tượng đến như vậy. Opera, giao hưởng, ca khúc cách mạng... được biểu diễn từ Nhà hát Thành phố đến khắp nơi trong thành phố”, NSND Trung Kiên kể.
Chuyến lưu diễn ấy kéo dài cả tháng. Người dân ban đầu xem vì tò mò, dần dà thấy vui, gần gũi và chuyển từ tò mò sang nô nức, háo hức rồi cổ vũ nồng nhiệt. Chương trình biểu diễn được đánh giá là thành công rực rỡ.
Đã nhiều năm trôi qua, song những ngày tháng 4-1975 là ký ức vô giá, đầy tự hào khi bản thân ông được hòa mình vào với những thời khắc lịch sử của dân tộc. Ký ức đó luôn chiếm giữ một vị trí đặc biệt đối với NSND Trung Kiên.