Mỗi năm, 1,5 triệu ha đất canh tác bị nhiễm mặn
Dựa trên việc thu thập dữ liệu đất trồng của 118 quốc gia, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) công bố Bản đồ toàn cầu về các loại đất nhiễm mặn. Theo nghiên cứu của FAO, hơn 833 triệu ha đất bị nhiễm mặn trên toàn cầu, tương đương 8,7% diện tích hành tinh. Mỗi năm, 1,5 triệu ha đất canh tác bị nhiễm mặn. Thiệt hại năng suất nông nghiệp do đất nhiễm mặn ước tính 31 triệu USD/năm.
Đất bị nhiễm mặn vì nhiều lý do như quản lý kém, sử dụng phân bón quá mức hoặc không phù hợp, phá rừng, nước biển dâng, mực nước ngầm. Tình trạng biến đổi khí hậu cũng đang làm tăng vấn đề này, với các mô hình cho thấy rằng vào cuối thế kỷ này, các vùng đất khô hạn trên toàn cầu có thể gia tăng ở các nước đang phát triển.
Việc giữ cho đất khỏe sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu của thế giới. Điều này không chỉ vì đất có khả năng lưu giữ đáng kể khí thải carbon mà còn giúp giảm thiểu các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như hạn hán, suy thoái và sa mạc hóa.
Phát triển nền nông nghiệp thông minh
Để thích ứng với tình trạng đất nhiễm mặn, một số giải pháp và nghiên cứu lần lượt được thúc đẩy. Viện Nông nghiệp và Thực phẩm quốc gia (NIFA) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố các sáng kiến dựa vào số hóa trong mô hình nông nghiệp thông minh. Trong đó, có sáng kiến từ Văn phòng Khoa học cây trồng và Đất tại Đại học Texas A&M, với việc thiết lập một hệ thống điều kiển thông minh gồm các thiết bị không người lái và robot đảm nhận nhiệm vụ trên mặt đất. Thông qua các phương pháp kiểm soát trên hệ thống điều khiển này, có thể đạt được những lợi ích đáng kể về môi trường và sinh thái khi theo dõi đất nhiễm mặn.
Trong Chương trình Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ của NIFA, các nhà khoa học đang thực hiện các phân tích đất cho nông dân hiệu quả hơn bằng cách sử dụng công nghệ cảm biến di động, chi phí thấp. Dự án này sẽ cho phép nông dân sử dụng các công nghệ tiên tiến để chủ động hơn trong việc quản lý xử lý đất, tiêu thụ nước tối ưu và lượng phân bón lý tưởng đồng thời bảo vệ chất lượng đất và nước.
Việc mở rộng hợp tác nghiên cứu về đất nhiễm mặn đã được thực hiện trên phạm vi quốc tế. Ví dụ, dự án Regreening Africa, do Tổ chức Nông Lâm thế giới (ICRAF) đứng đầu và hợp tác với một số tổ chức phát triển quốc tế và địa phương, đặt mục tiêu khôi phục 1 triệu ha đất và cải thiện sinh kế của 500.000 hộ gia đình tại lục địa đen.
Giới chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, cần ủng hộ việc áp dụng công nghệ theo dõi tình trạng đất trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những khu vực đang bị suy thoái, để xây dựng hệ thống lương thực có khả năng phục hồi và bền vững trước những thách thức của biến đổi khí hậu.