Báo cáo Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Theo đó, năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Thanh Hóa đạt 8,85%, đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 39.519 tỷ đồng, vượt 49% dự toán, tăng 25% so với năm 2020; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch; nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ, trong đó thu ngân sách nhà nước, giá trị xuất khẩu, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất từ trước đến nay.
Tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội (khóa XV) ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật đảng; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, tiêu cực.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tỉnh cần tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đẩy nhanh việc cụ thể hóa và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm của việc thực hiện các chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; yêu cầu thực hiện sáng tạo, hiệu quả chính sách đặc thù trong cả thu và chi ngân sách.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Thanh Hóa phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ, trong đó, cần chú ý quy hoạch đô thị tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa cũng cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng; chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngoài ra, tỉnh cần phát triển nhanh các ngành dịch vụ có lợi thế, như: Dịch vụ vận tải biển, vận tải hàng không, logistics; nâng cao giá trị xuất khẩu; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Song song với phát triển kinh tế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Thanh Hóa tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Thanh Hóa, giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng (19-3-1957 - 19-3-2022).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chúc mừng những thành tích Nhà máy Z111 đã đạt được trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cần tập trung nghiên cứu, quán triệt, bám sát đường lối, chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; tiếp tục tham mưu chiến lược để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08 ngày 26-01-2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh việc phát huy nội lực là chủ yếu, đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu, cần tập trung huy động đa dạng các nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp quốc phòng từ quỹ dự trữ ngoại hối, nguồn ngân sách nhà nước, vốn đối ứng, quỹ đầu tư phát triển và nguồn tài chính của doanh nghiệp...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, các bộ, ngành trung ương cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện giúp cho quân đội triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia mà Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng công nghiệp quốc phòng hiện đại, đồng chí Vương Đình Huệ chỉ rõ, Nhà máy Z111 cần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ; chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị quân sự; phát huy trí tuệ tập thể, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị sát với yêu cầu tác chiến mới của lực lượng vũ trang; chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối đơn vị, nhất là trong nghiên cứu, chế thử vũ khí mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng, Nhà máy Z111 sẽ phát huy truyền thống 65 năm, tiếp tục phát triển, trở thành mô hình mới trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại; cùng với các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và toàn quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.